Cụ thể, sau khi tiếp tục giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại 2 tỉnh Yên Bái và Nam Định cùng giao dịch ở mức 69.000 đồng/kg; Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg; Hà Nội ghi nhận mức 68.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận mức giảm 2.000 đồng/kg ở một số địa phương, dao động quanh mức 70.000 – 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, khu vực miền Nam có nơi giảm tới 3.000 đồng/kg, dao động chung trong khoảng 70.000 – 72.000 đồng/kg. Mức giá này so với cùng thời điểm tháng trước đã giảm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm kéo theo giá thịt lợn tại các chợ truyền thống, siêu thị giảm tương đương 10.000 đồng/kg, dao động quanh mức 120.000 – 140.000 đồng/kg. Chị Phạm Thị Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông cho biết, hơn một tháng nay, giá lợn móc hàm nhập tại các lò mổ liên tục giảm nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg mỗi ngày. Tuy giá thịt giảm nhưng mức tiêu thụ không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm đi. Theo chị Hương, cứ bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt nói chung, thịt lợn nói riêng đều chậm hơn những mùa khác trong năm, do người dân chuyển sang ăn các loại thủy, hải sản nhiều hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, có 2 lý do khiến giá lợn hơi đang trên chiều hướng giảm, cho dù giá nguyên liệu chăn nuôi tăng. Thứ nhất là nhu cầu tiêu thụ giảm khi bước vào mùa hè. Thứ hai là tỷ lệ tái đàn thành công tại các trang trại tăng nhanh cả ở trong dân lẫn DN. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm nhẹ, khó tăng do nguồn cung dồi dào. Ngoài lượng lợn nuôi trong nước, trên thị trường còn một lượng lớn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Do đó, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên cân nhắc tái đàn vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Các trang trại chăn nuôi lớn nên phát triển các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo chuỗi liên kết, phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng. Nâng cao năng lực giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp các sản phẩm từ thịt lợn.