Với 2 hợp đồng tập trung này, ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu những tháng vừa qua trầm lắng, việc trúng 2 gói thầu có ý nghĩa rất lớn, kéo theo mặt bằng giá thu mua của bà con cao lên so với mức trước từ 100-150 đồng/kg.
Theo ông Khiêm, việc trúng thầu bán cho Indonesia ở mức tương đối, gạo 5% tấm, giá 355 USD/tấn; gạo 15% tấm giá 350 USD/tấn. Mức giá này so với tình hình hiện nay là được giá. Nếu được phân bổ doanh nghiệp này có khả năng đáp ứng được số lượng, không lo nguồn cung.
Còn theo ông Lê Văn Bảnh, Phó cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), những tháng trước đây, Việt Nam xuất khẩu gạo hơi chậm. Gói trúng thầu bán cho Indonesia, Philippines với số lượng tương đối khá, nhờ đó, giá lúa của bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhích lên.
Tuy nhiên, mức giá trúng thầu vừa qua theo ông Bảnh không cao lắm, vì Việt Nam đang bị cạnh tranh ráo riết, nếu tăng giá sẽ khó trúng thầu. Trên thực tế, Việt Nam đã từng thắng thầu hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines cuối năm 2014 là nhờ đưa ra mức giá rẻ hơn so với các nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,35 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Việc trúng thầu 2 gói thầu này cho thấy nhu cầu thế giới đang tăng, cộng với việc tăng cường xúc tiến thương mại, vì thế sản lượng xuất khẩu có thể đạt mục tiêu đề ra là 6,8 triệu tấn trong năm nay.
"Đạt về sản lượng là một chuyện, còn có đạt về giá trị hay không lại là chuyện khác. Hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu loanh quanh sản phẩm gạo truyền thống gạo trắng hạt dài, mà chưa có đổi mới nên phải cạnh tranh gay gắt với các nước xung quanh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, đặc biệt gần đây nổi lên thị trường Campuchia", ông Bảnh cho hay.
Do vậy, để xuất khẩu bền vững hơn, cần có chiến lược phát triển tốt hơn. Ông Bảnh phân tích, hiện nay, ngoài mặt hàng gạo truyền thống là gạo hạt dài trắng, nhiều doanh nghiệp làm gạo thơm, gạo chất lượng đã xuất khẩu trên 2 triệu tấn. Như vậy giá cạnh tranh tốt hơn, thị trường đặc thù hơn, sẽ giảm bớt cạnh tranh.
Đặc biệt, có một số doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm làm gạo hữu cơ, chất lượng tốt hơn, giá bán cao hơn, đồng thời tìm hiểu nhu cầu của từng thị trường, như Đông Bắc Á, Tây Âu, Nam Mỹ, Châu Phi… sản xuất theo yêu cầu của họ sẽ tăng khả năng cạnh tranh. Nếu không có chiến lược, không tổ chức lại sản xuất thì gạo Việt sẽ cạnh tranh gay gắt và nông dân vẫn chịu thiệt thòi.