Các mặt hàng rau cỏ, hàng tươi sống đến cốc caphe ngày mùng 2 Tết nguyên đán (2010) đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, hầu hết người dùng đều vui vẻ chấp nhận mức giá đắt đỏ trong ngày đầu Xuân này như một lẽ tất yếu.
Thực phẩm “đắt” gấp đôi ngày thường
Tại một số khu chợ lớn trên phố cổ Hà Nội, các tiểu thương đã chọn ngày mùng 2 Tết để mở hàng. Tuy thưa thớt nhưng nhiều mặt hàng đã được bày bán. Từ hàng rau, hàng thịt, hàng khô, hải sản cho đến hàng bánh kẹo đều đã mở hàng. Người mua ít, số lượng hàng lại có hạn nên giá cả thực phẩm ngày Tết tăng gấp đôi so với ngày thường.
Khảo sát tại chợ Châu Long, chợ Hòe Nhai, chợ Bưởi, chợ Cống Vị (Hà Nội) cho thấy: Giá bắp cải ngày mùng 2 Tết âm lịch dao động từ 10.000 – 15.000đ/kg, su hào từ 5.000 – 10.000đ/củ, súp lơ xanh cũng từ 10.000 – 15.000đ/cây… Thịt bò thăn loại ngon có giá 200.000 – 250.000đ/kg. Thịt lợn mông sấn ngày thường có giá 70.000đ/kg thì ngày hôm nay (15/2 tức mùng 2 Tết âm lịch) có giá 200.000đ/kg.
Chị Huệ, tiểu thương ở chợ Châu Long cho biết: “Chị mở hàng từ đầu giờ chiều ngày mùng 2. Vì không có hàng để bán, khách đến hỏi mua rau, cỏ của chị ít nhưng bù lại vì là ngày Tết nên giá cả đắt đỏ, khách vẫn vui lòng móc hầu bao. Không những không mặc cả nhiều khi còn mừng tuổi thêm.
Để dẫn chứng, chị Huệ hồ hởi kể: “Vừa mới khuân hàng ra đến chợ, có cô khách đi xe SH dừng lại hỏi mua cây bắp cải giá 15.000đ/kg, mua xong cô còn biếu chị 20.000đ để lấy may”.
Cũng theo chị Huệ, thường trước Tết, người tiêu dùng mua dự trữ chủ yếu là các mặt hàng thịt, cá. Rau cỏ nhanh héo, khô nên mặc dù là đầu năm mới, khách vẫn chủ yếu đến hỏi mua các loại rau cỏ chứ hàng thịt, cá cũng ít người hỏi đến.
Bún ốc, bún riêu giá “tăng vọt” vẫn nườm nượp khách
Như thông lệ, những ngày đầu năm mới, khi người tiêu dùng “ngán” thịt gà, bánh chưng, các hàng bún ốc, bún riêu lại mở hàng, đón khách từ rất sớm.
Có những quán ngày thường bán bún gà, bún vịt thì mấy ngày đầu Xuân cũng đổi “sở trường”, thay thế bằng món bún ốc, bún riêu cua để phục vụ “thượng đế”.
Tại khu chợ Hòe Nhai, tụ điểm của đặc sản “bún ốc”, bún riêu bò với những quán nổi tiếng như bún cô béo, bún cô Thủy, đến ngày mùng 2 Tết chưa thấy “cô” nào mở cửa nhưng chạy dọc con phố nhỏ này, nhiều hàng bún ốc đã mở hàng, đón khách.
Giá mỗi bát bún riêu cua và ốc bò đầy đủ tại đây (kèm thịt bò, đậu phụ rán, giò tai) có giá từ 30.000 – 35.000đ/bát.
Hay dọc đường Đội Cấn ngày thường cũng chủ yếu là các quán bún ngan thì những ngày đầu Xuân năm mới cũng chuyển sang bán bún riêu, bún bò. Giá cả cũng vừa tầm hơn so với khu phố cổ. Một bát bún ốc, bún riêu bò đầy đủ tại đây có giá từ 20.000 – 25.000đ/bát.
Quanh các khu vui chơi, giải trí như Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Cung thiếu nhi, đồ ăn phục vụ các thực khách ngày Xuân cũng là món bún riêu cua, bún ốc bò.
Quán cà phê “tăng xông” phục vụ khách
Ít khu vui chơi nên trong ngày đầu xuân, quán caphe với là lựa chọn số 1 của người dân Thủ đô. Từ các bạn trẻ đến nhiều bác trung niên cũng chọn quán caphe để “thưởng” xuân.
Dọc phố Phan Đình Phùng (đoạn cắt phố Hòe Nhai) hầu hết các quán caphe đều đã mở cửa từ rất sớm. Khách ngồi tràn ra cả vỉa hè. Giá cả cũng có dao động một chút so với ngày thường. Tại quán caphe Hạnh, một cốc trà lipton ngày thường có giá là 10.000đ/cốc thì ngày Tết tăng lên 15.000đ/cốc; caphe tăng từ 12.000 – 18.000đ/cốc….
Tuy nhiên, theo nhiều thực khách, giá cả tăng gấp đôi, gấp ba trong ngày Tết cũng là điều dễ hiểu. Anh Hoàng (Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày Tết đáng lẽ người ta phải được nghỉ ngơi thì họ lại bán hàng, phục vụ khách hàng. Hơn nữa, so với ngày thường, quán cũng không thể đông khách bằng nên giá cả tăng cao cũng có thể chấp nhận được”.
Còn tại các tụ điểm vui chơi như Cung thiếu nhi, du thuyền Hồ Trúc Bạch (Hà Nội), theo khảo sát của phóng viên giá dịch vụ hầu như vẫn giữ nguyên. Giá một giờ thuê xe đạp vịt tại Hồ Trúc Bạch là 60.000đ/h. Một số trò chơi tại Cung thiếu nhi Hà Nội, giá dao động từ 10 -15.000đ/lần cho các trò chơi đu quay, đi ô tô điện…
Đà Nẵng: Thịt cá tăng giá mạnh
Còn theo ghi nhận của pv VTC News tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, giá các loại thực phẩm vẫn ở giá cao, đặc biệt là các loại rau củ quả đều có giá cao “chóng mặt”. Cụ thể, rau cải có giá 20.000 đồng/kg, rau xà lách 20.000 đồng/kg, rau cần giá 40.000 đồng/kg; Cà rốt 2-3000 đồng/củ; dưa leo 20.000 đồng/kg; súp lơ có giá 15-20.000 đồng/búp…
Thịt heo, cá các loại cũng tăng giá mạnh, đơn cử : thịt heo ba chỉ 90-100.000 đồng/kg; thịt mông 100-110.000 đồng/kg; thịt vai 110-120.000 đồng/kg; thịt quay 150.000 đồng/kg…Cá các loại : cá quả 80.000 đồng/kg; cá thu loại nhỏ 150.000 đồng/kg; cá hố nhỏ 60.000 đồng/kg…
Chị Hải, người dân đi chợ, (trú phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết : giá các loại thực phẩm cao là do ít người bán. Hơn nữa, mặc dù ai cũng có thịt trong nhà. Nhưng Mồng 2 có tục cúng Thần Tài-Thổ Địa nên nhu cầu thịt nguyên khổ phát sinh khiến giá các loại thịt cao.
Cũng trong dịp này, các hàng ăn, quán cà phê tranh thủ làm ăn, giá các loại hàng ăn như phở, bún, mì, có giá từ 15-20.000 đồng/tô đối với hàng vỉa hè; 20-25.000 đồng/tô, đối với hàng ăn bình dân; thậm chí có một số quán thuộc dạng “sang”, giá tô bún lên đến 30-40.000 đồng/tô.
Tại các quán cà phê, giá các loại đồ uống cũng tăng mạnh, đặc biệt các quán đẹp trên các phố trung tâm có giá cao gấp từ 2-3 lần so với ngày thường. Nhất là các loại nước ép hoa quả, có gía từ 40-50.000 đồng/ly như nước ép dâu tây, nước ép xoài, thanh long…