Ghi nhận của phóng viên trong sáng 29/3 tại một số chợ tại Hà Nội như: Láng Hạ, Thành Công, Kim Liên, Cổ Nhuế, Đồng Tâm... giá một số loại rau củ giảm khá mạnh. Hiện tại, su hào chỉ còn 15.000 đồng/kg, nhiều nơi bán rẻ "3 củ 10.000 đồng". Rau cải xanh giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg; rau muống 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg; xà lách 12.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg;…
Mặc dù giá thực phẩm giảm nhiều nhưng lượng người mua không tăng. Trong ảnh Mua bán thực phẩm tại chợ Hôm. Ảnh:Việt Linh
Đại diện Ban quản lý chợ Dịch Vọng cho biết, thời gian qua do thời tiết thuận lợi rau xanh phát triển mạnh, cung lớn hơn cầu khiến rau xanh rớt giá. Các loại hoa quả vẫn khá đa dạng chủng loại. Theo một người bán hàng tại đây, đến nay nguồn hàng hoa quả khá ổn định, giá cả cũng giảm hẳn so với trước Tết và Rằm tháng Giêng.
Không chỉ các mặt hàng rau quả giảm giá, giá một số loại thực phẩm tươi sống ở các chợ lẻ cũng đang giảm như: Thịt lợn, gà, bò giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cụ thể: Thịt lợn ba chỉ có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, thịt lợn đùi 95.000 đồng/kg, thịt thăn bò 210.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 45.000 đồng/kg, thịt gà ta 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trứng gà 30.000 đồng một chục, thay vì 40.000 đồng như hơn một tháng trước.
Dù giá thực phẩm giảm mạnh nhưng sức mua những mặt hàng này không cao, hầu hết tiểu thương các chợ đều cho biết hàng rất ế ẩm. Bà Phan Thị Nga, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết, hiện chợ có những sạp hàng chỉ mở cửa vào dịp cuối tuần, những ngày còn lại khách ít, nên một số tiểu thương đóng cửa hàng sớm.
Tuy chưa đến mức phải đóng cửa nhưng các sạp hàng ở chợ Đồng Xuân - khu chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội vốn tấp nập nay tình hình tiêu thụ hàng hóa cũng èo uột. Chị Tuyền, tiểu thương tại chợ này chia sẻ: "Trong Tết, khách đến lấy buôn về các tỉnh lẻ và tại các chợ trên địa bàn Hà Nội rất nhiều. Nay số lượng khách đến lấy buôn giảm khoảng 40%. Khách ở các tỉnh khác đến lấy hàng chỉ còn lại một vài mối lớn, thời gian đến lấy hàng cũng thưa dần".
Liên quan đến chuyện xăng tăng giá, các tiểu thương dự đoán chi phí vận chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ sẽ tăng thêm khoảng 5.000 - 15.000 đồng/chuyến tùy địa điểm. Nhưng bà Nguyễn Thị Hà, bán rau, củ, quả chợ Kim Ngưu nói: "Làm sao dám tăng giá khi chợ đầy hàng, quầy này đang phải nhìn quầy kia mà kéo giá xuống để rủ khách vào mua?".
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, điều này chứng tỏ đầu ra của các DN đang bế tắc, hàng tồn kho cao. Và như vậy, chắc chắn nhiều DN sẽ tiếp tục ngừng, giảm sản xuất. “Trong bối cảnh này, cần có biện pháp kích cầu trong nhân dân, cùng với việc thực hiện các chương trình giảm giá cũng cần phải thực hiện tốt việc niêm yết giá công khai, rõ ràng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng” - ông Phú gợi ý.