Ảnh minh họa |
Giống như chị Đào, anh Lê Xuân Quyết (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) “đỏ mắt” tìm mua Tamiflu ở nhiều hiệu thuốc nhưng anh chỉ nhận được câu trả lời “đã hết”. Cuối cùng, anh phải chấp nhận mua thuốc Tamiflu ở “chợ thuốc” trên mạng với giá 200.000 đồng/viên. "Thuốc rất khó tìm, điều trị cúm cho con thì buộc phải chấp nhận mua dù giá “trên trời”. Chủ cửa hàng cho biết giá thuốc sẽ tiếp tục tăng " - anh Quyết cho hay.
Chúng tôi đã khảo sát một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội, được biết, giá thuốc Tamiflu tại nhà thuốc An Tâm (trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa) có giá 205.000 đồng/viên; 1 hộp 10 viên là 2 triệu đồng. Tại một số nhà thuốc trên đường Nguyên Hồng (quận Đồng Đa) đều hết hàng cách đây một tháng.
Chị Nguyễn Thanh Hải - chủ một cửa hàng trên chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay, ở các BV không có thuốc Tamiflu, trong khi nhiều chủ cửa hàng thuốc ở đây “om hàng” từ trước đó, đã đẩy giá lên cao. “Dịch cúm vào mùa khiến giá thuốc tăng chóng mặt. Nếu như trước đó, thuốc Tamiflu tăng giá từng ngày thì đến thời điểm này, thuốc tăng theo từng giờ. Cụ thể, sáng đầu tuần, thuốc Tamiflu tại chợ có giá 850.000 - 900.000 đồng/hộp (trước đó, giá bán của công ty là 450.000/hộp/1 vỉ 10 viên). Đến 10 giờ, giá thuốc tăng lên 1,1 - 1,2 triệu đồng/hộp và đến chiều, giá tăng vọt lên 1,5 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, hiện loại thuốc này không còn để bán” - chị Hải cho hay.
Tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu cũng đang xảy ra ở BV Nhi T.Ư. Hiện, BV chỉ còn Tamiflu với số lượng ít trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao. BV chỉ dùng Tamiflu cho bệnh nhân nội trú. Điều đáng nói, số bệnh nhi mắc cúm A nhập viện đang gia tăng, khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Lãnh đạo BV đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.
Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển khuyến cáo, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Vì thế, khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.