Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 26/7: Kỳ vọng giá tăng lên 80.000 đồng/kg ngay khi kết thúc giãn cách xã hội

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 26/7 trong khoảng 72.500 - 75.000 đồng/kg. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu có thể chủ động về nguồn hàng, nhưng với khâu vận chuyển thì gặp khó khăn trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Giá tiêu hôm nay 26/7: Kỳ vọng giá tăng lên 80.000 đồng/kg ngay khi kết thúc giãn cách xã hội
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu ổn định so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện thị trường giao dịch đang trầm lắng do một loạt các tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo phản ánh của các đơn vị xuất khẩu, các đơn hàng vẫn được ký mới vì từ trước đến nay vẫn chủ yếu làm việc qua mạng, chỉ có khẩu vận chuyển, giao hàng sẽ bị ảnh hưởng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án kỹ càng cho mọi tình huống phát sinh. Với tình hình như hiện nay, các đơn hàng xuất tháng 8/2021 phải lấy từ trong kho, do việc gom hàng trong dân bị hạn chế vì Chỉ thị 16. Do vậy, khi hết giãn cách các công ty phải tăng cường mua vào để bù đắp. Do vậy giới đầu cơ tin rằng sẽ có 1 đợt tăng giá lên 80.000 đồng/kg ngay sau khi hết giãn cách xã hội ở các tỉnh thành phía Nam.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 694,25 rupee/tạ, ở mức 41.825 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 22/7/2021 đến ngày 28/7/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,39 VND/INR.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 7/2021 đạt 14.320 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 52,47 triệu USD, đưa xuất khẩu 6,5 tháng đầu năm lên đạt 168.204 tấn, giảm 3,62% về lượng nhưng lại tăng 46,35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.664 USD/tấn, tăng 2,29% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 6/2021.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh này xuất khẩu 1.900 tấn hồ tiêu. Do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và hoạt động thông quan không thuận lợi khiến việc giao hàng hóa bị chậm lại. Hiện các DN đang rất khó khăn ở khâu vận chuyển, tình trạng thiếu container và tàu vận chuyển đã đỡ căng thẳng hơn nhưng giá cước tàu biển tăng cao.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, đơn cử như với mặt hàng cà phê, cước phí vận chuyển tăng cả chục lần so với cùng kỳ những năm trước đây. Giá cước vận chuyển và giá container tăng cao đẩy giá thành lên cao, làm ảnh hưởng lớn trong vấn đề tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Trên bình diện cả nước, tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020, như: Hoa Kỳ, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Pa-ki-xtan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hà Lan giảm trong tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Ấn Độ, Đức, Nga tăng mạnh trong tháng 6/2021 so với tháng 6/2020, nhưng vẫn giảm trong 6 tháng đầu năm nay.

Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt tiêu khá ổn định của Việt Nam. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì gặp khó khăn trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Đối mặt với nhiều khó khăn là thế, gần đây các công ty xuất khẩu tiêu còn gặp phải vấn đề thủ tục tại hải quan. Thay vì nằm trong “luồng xanh” được miễn kiểm tra hàng hóa của hải quan như trước, thì thời gian gần đây hạt tiêu đen bị đưa vào “luồng vàng”, là diện cần kiểm tra chi tiết hồ sơ thông quan hải quan.

Theo báo cáo của một số doanh nghiệp về Hiệp hội xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết gần đây, tỷ lệ tờ khai “luồng vàng” chỉ khoảng 8% nhưng thời gian gần đã tăng đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Điều này đã gia tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp và tiềm ẩn rủi ro phơi nhiễm Covid-19 trong quá trình đi lại để xử lí thông quan tờ khai.