Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 16/12: Vàng bất ngờ tăng giá sau khi Fed thắt chặt tiền tệ hơn dự kiến?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (16/12), giá vàng trên thị trường thế giới bất ngờ đi lên bất chấp Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định mạnh hơn về thắt chặt tiền tệ, đồng USD và chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh. Chuyên gia đã phân tích những nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng.

 Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh giá bất chấp Fed thắt chặt mạnh hơn chính sách tiền tệ. Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.776 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.781 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng đảo chiều tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 60,85 - 61,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 60,85 - 61,57 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp cũng tăng mạnh giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 60,75 – 61,45 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 60,9 – 61,5 triệu đồng/lượng, tăng 170.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 220.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,8 – 52,6 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,7 – 52,4 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 triệu đồng/lượng.
Kết thúc 2 ngày họp tháng 12, Fed đã công bố mạnh tay hơn trong điều chỉnh chính sách tiền tệ so với dự báo trước đó. Cụ thể, 18 thành viên của Fed đều thống nhất đẩy nhanh tiến độ cắt giảm lượng mua trái phiếu và dự kiến kết thúc vào tháng 3/2022, đúng như dự báo của các chuyên gia và sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch trước đó của Fed đưa ra. Điểm quan trọng nữa là Fed đã quyết định tăng 3 lần lãi suất trong năm 2022 lên mức 0,9% vào cuối năm, thay vì dự báo của thị trường là chỉ tăng 2 lần. Còn một số thành viên của Fed ngay sau cuộc họp đã cho rằng: Đến tháng 10 có nhiều người trong cơ quan này chưa nghĩ đến nâng lãi suất 1 lần nào trong năm 2022, khi đưa ra quyết định này họ cũng bất ngờ nhưng phù hợp với diễn biến của thị trường hiện nay. Trước đó, Fed dự kiến có nâng lãi suất đồng USD lần đầu tiên sẽ là đầu năm 2023.
Sau thông tin này của Fed giới đầu tư vô cùng phấn khởi vì Fed đã điều hành chính sách tiền tệ không những đúng như dự báo mà còn mạnh hơn. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm mạnh ở cả 3 chỉ số chính với mức tăng từ trên 1% đến trên 2%.  Đồng USD dù hạ nhiệt đôi chút nhưng chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh đồng USD trong rổ 6 đồng tiền chính vẫn đứng ở mức cao trên 96,2 điểm.
Trước đó, giới phân tích cho rằng, nếu Fed thắt chặt tiền tệ đúng như dự báo thì vàng sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, Fed thắt chặt hơn dự báo mà vàng vẫn tăng giá. Nguyên nhân giúp giá vàng đi lên lại nằm ngoài cuộc họp của Fed cũng như phạm vi nước Mỹ mà nằm ở nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Cụ thể, Trung Quốc vừa công bố số liệu chi tiêu tiêu dùng của người dân trong tháng 11 đã tăng thấp hơn dự báo, khiến chuyên gia cảnh báo sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19 tại nước này đang làm giảm đà phục hồi của đất nước tỷ dân này.
Cụ thể, doanh số bán lẻ trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều mức tăng 4,9% của tháng 10 và cũng thấp hơn cả dự báo trước đó. Tăng trưởng GDP quý 3/2021 của Trung Quốc cũng chỉ đạt 0,2% so với quý 2/2021, là quý tăng thấp nhất kể từ quý 1/2020 – trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Nguyên nhân chính dẫn đến nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới trì trệ bởi giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, còn thị trường bất động sản gặp khó khăn sau cú “sốc” của Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị tại Trung Quốc cũng tăng nhẹ lên 5% trong tháng 11, chỉ có sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của thị trường.
Chuyên gia dự báo, khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm trong tháng 11 và có thể còn giảm trong những tháng tới, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, bởi chính quyền một số tỉnh/thành phổ của nước này đã khuyến khích người dân hạn chế đi lại không cần thiết và siết chặt biên giới. Điều này có thể làm chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy khiến đà phục hồi kinh tế chậm lại. Kinh tế Trung Quốc bị tổn thương cũng sẽ làm nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu phục hồi chậm lại khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị hạn chế, đứt gãy. Đây chính là nguyên nhân khiến giới đầu tư tiếp tục mua vàng đề phòng rủi ro khi kinh tế tiếp tục gặp khó khăn.