Lúc 6 giờ 15 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng gần 2.082 USD/ounce, tăng mạnh trên 38 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.082 USD/ounce, tăng trên 38 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Thị trường vàng trong nước phiên 1/3, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước gần tìm về đỉnh cũ 80 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh, đứng quanh mức 77,8 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 77,8 – 79,82 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 300.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 77,75 – 79,75 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 78,1 – 79,75 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 450.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm qua so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 65,88 – 66,98 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 65,55 – 66,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,25 triệu đồng/lượng.
Phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), thị trường tài chính quốc tế đón nhận thêm những thông tin kinh tế từ các nền kinh tế lớn trong đó có Mỹ và châu Âu, Trung Quốc. Cụ thể, tại Mỹ chỉ số quản lý thu mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 2 tăng từ 51,5 điểm tháng trước lên 52,2 điểm tháng này.
Tuy nhiên, đây chỉ là 1 dữ liệu tích cực, không đủ kiềm chế giá vàng tăng mạnh. Bởi Viện quản lý nguồn cung của Mỹ (ISM) công bố hàng loạt chỉ số giảm điểm mạnh trong tháng 2. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất tháng 2 của Mỹ theo ISM sụt giảm mạnh từ 49,1 điểm tháng trước xuống 47,8 điểm, thấp hơn nhiều mức 49,5 điểm dự báo trước đó. Chỉ số đơn đặt hàng sản xuất mới tháng 2 tại Mỹ do Viện này cung cấp cũng giảm mạnh từ 52,5 điểm xuống 49,2 điểm - dưới mức mở rộng 50 điểm.
Cùng với đó, chỉ số việc làm sản xuất tháng của ISM giảm từ 49,1 tháng trước xuống 45,9 điểm. Chỉ số giá sản xuất của ISM tháng 2 giảm nhẹ từ 52,9 điểm tháng trước đó xuống 52,5 điểm, thấp hơn nhiều mức 53,5 điểm dự báo trước đó. Kỳ vọng tiêu dùng của Michigan giảm mạnh từ 77,1 điểm tháng trước xuống còn 75,2 điểm và thấp hơn nhiều mức kỳ vọng là 78,4 điểm. Tâm lý người tiêu dùng cũng sụt giảm mạnh từ 79 điểm tháng trước xuống 76,9 điểm tháng 2, thấp hơn nhiều mức dự báo 79,6 điểm.
Kỳ vọng lạm phát của Đại học Michigan tháng 2 của Mỹ bất ngờ tăng từ mức 2,9% tháng trước và lên 3% tháng này. Kỳ vọng lạm trung bình 5 năm của Michigan tính đến tháng 2/2024 ở mức 2,9%, đi ngang so với dự báo và mức đạt được trước đó.
Theo phân tích kỹ thuật, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất, số đơn đặt hàng mới, chỉ số việc làm sản xuất đều giảm mạnh, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn. Trong khi đó kỳ vọng tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng lại sụt giảm mạnh. Điều này cảnh báo lĩnh vực sản xuất tại Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Trong khi lãi suất còn đang ở mức rất cao hơn 20 năm qua, thì kỳ vọng lạm phát lại tăng trở lại trong tháng 2. Trước đó 1 ngày, Mỹ đã công bố chỉ số PCE dùng để đo lường lạm phát (hoặc giảm phát) trên một loạt các chi phí tiêu dùng và phản ánh những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tháng 1 giảm từ 2,6% tháng trước đó xuống 2,4%. Tuy nhiên, chỉ số giá PCE lõi tính theo tháng trong tháng 1 tăng 0,4%, cao hơn mức tăng 0,1% tháng trước đó.
Lạm phát tăng trở lại, kinh tế kém đi và thị trường việc làm bắt đầu có những dấu hiệu bị thu hẹp, nhiều chuyên gia nhận định Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mắc kẹt trong điều hành chính sách tiền tệ. Bởi nếu Fed hạ lãi suất hỗ trợ kinh tế thì lạm phát tăng mạnh trở lại. Còn khi Fed giữ lãi suất cao hoặc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì kinh tế tiếp tục gia tăng rủi ro và có thể rơi vào suy thoái.
Sau hàng loạt những thông tin kinh tế kể trên, giới đầu tư đã lo ngại nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn khó khăn, do đó họ đã ồ ạt đẩy mạnh mua kim loại quý để bảo toàn vốn. Nhờ đó, giá vàng thế giới đã vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh vùng 2.060 – 2.063 USD/ounce.
Tại Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất và hỗ hợp tháng 2 chỉ đi ngang tháng trước đó. Chỉ số PMI sản xuất tại khu vực kinh tế châu Âu tháng 2 cũng được công bố đêm qua tuy cao hơn dự báo nhưng vẫn thấp hơn mức đạt được tháng trước. Khu vực này cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm tính đến tháng 2 giảm từ 2,8% tháng trước xuống 2,6%, tuy nhiên mức này cao hơn 2,5% dự báo trước đó. Chỉ số CPI lõi tính theo tháng trong tháng 2 tăng mạnh từ mức âm 0,9% lên mức 0,7%.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), thị trường vàng quốc tế rất sôi động với chiều mua vào. Chuyên gia nhận định, những nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt công bố số liệu kinh tế kém tích cực. Điều này còn hỗ trợ giá vàng tăng cao trong những phiên tới. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, kỳ vọng vị thế đầu cơ vàng tuần này chỉ đi ngang so với trước đó, do đó có thể vàng sẽ bị bán tháo ngay đầu tuần tới khi nhà đầu tư chốt lời. Do đó, giới đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ thị trường để xác định điểm mua – bán phù hợp.