Đầu phiên sáng nay, lúc 6 giờ 5 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng gần 2.232 USD/ounce, giảm nhẹ hơn 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.232 USD/ounce, giảm nhẹ hơn 1 USD/ounce, tương đương tăng 1,74% so với chốt phiên trước đó.
Thị trường vàng trong nước đứng phiên hôm qua ngày 29/3, giá vàng miếng SJC chỉ đi ngang so với phiên trước đó trên thị trường, còn doanh nghiệp quay đầu giảm. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh, đứng quanh mức 79 – 81 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 79 – 81,02 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 78,8 – 80,8 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 78,85 – 80,75 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 1,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên hôm qua tiếp tục tăng so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 69,48 – 70,68 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 69,5 – 70,75 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,25 triệu đồng/lượng.
Đêm qua (giờ Hà Nội), thị trường tài chính toàn cầu đón nhận thêm thông tin kinh tế tại Mỹ, khiến giá vàng quay đầu giảm. Cụ thể, chỉ số giá PCE tháng 2 tính theo tháng tăng 0,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 0,4% của tháng trước. Chỉ số giá PCE tháng 2 tính theo tại Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng với dự báo nhưng tăng so với mức đạt được tháng trước đó 2,4%. Chỉ số giá PCE lõi tháng 2 tại Mỹ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dự báo và thấp hơn kỳ báo cáo trước là 2,9%.
Theo phân tích kỹ thuật, tác động của chỉ số PCE và PCE lõi lên tiền tệ có thể đi theo hai hướng: Làm CPI tăng có thể dẫn đến tăng lãi suất và tăng đồng nội tệ; mặt khác, nếu kinh tế suy thoái, CPI tăng lại có thể dẫn đến sự suy thoái sâu hơn, đồng nội tệ bị xuống giá.
Trước đó, ngày 28/3 Mỹ đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4/2023 tăng 3,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức dự báo trước đó là 3,2%. Đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần qua ở mức 210.000 đơn, thấp hơn mức 212.000 đơn dự báo trước đó và tuần trước.
Ở trường hợp này, kinh tế Mỹ đang phục hồi tích cực, việc làm của người lao động ổn định. Điều này sẽ còn giúp đồng USD tăng, đặc biệt chỉ số PCE lõi giảm so với tháng trước.
Việc giảm của chỉ số PCE và PCE lõi trong tháng 2 và kinh tế tích cực, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất.Thông thường thông tin kinh tế và đồng USD tích cực sẽ khiến giá vàng giảm mạnh.
Tuy nhiên, giới đầu tư lại cho rằng khi các yếu tố liên quan đến lạm phát giảm sâu như PCE sẽ thúc đẩy quá trình giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm.
Cũng trong đêm qua, Mỹ công bố thu nhập cá nhân tháng 3 tăng 0,3%, thấp hơn mức dự báo 0,4% và thấp hơn nhiều mức đạt được của tháng trước đó là mức tăng 1%.
Ngược lại, chi tiêu tiêu dùng tháng 2 tại Mỹ lại tăng từ mức 0,2% tháng trước lên 0,8%. Tiêu dùng cá nhân thực tế tháng 2 tăng từ mức giảm 0,2% tháng trước lên mức tăng 0,4%.
Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm một phần lớn trong các hoạt động kinh tế tổng thế. Số liệu thực tế cao hơn dự báo nên được coi là mang tính tích cực/xu hướng tăng đối với đồng USD và ngược lại.
Như vậy, thu nhập giảm, nhưng tiêu dùng vẫn tăng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn tăng cao. Điều này sẽ thúc đẩy đồng USD tăng. Như vậy, các chỉ số kể trên đều tác động tốt đến sự phục hồi của nền kinh tế và gây áp lực lên giá vàng.
Thị trường dõi theo bài phát biểu của Chủ tịch Fed ông Jerome Powell với nhiều thông tin mới có thể gây áp lực lên giá vàng. Cơ quan hoạch định chính sách của Mỹ cho biết, không nhận thấy dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế trong năm nay cũng như hai năm sau đó, thậm chí tăng trưởng năm 2025 và 2026 còn mạnh hơn các dự báo trước đó.
Ông Jerome Powell nhận định, nền kinh tế và thị trường việc làm mạnh, lạm phát đang giảm đúng như kỳ vọng. Lợi nhuận doanh nghiệp cao và thị trường chứng khoán liên tục phá kỷ lục. Ông cho biết, năm 2024 dự kiến vẫn có 3 lần hạ lãi suất. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất thấp ở mức gần 0% sẽ không còn.
Chuyên gia nhận định, lãi suất giữ ở mức cao sẽ gây áp lực lên vàng. Hơn nữa thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh và kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ khiến giới đầu tư chuyển kênh đầu tư từ vàng sang các tài sản sinh lời là chứng khoán.