Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.828 USD/ounce, tăng 21 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.830 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và tăng hơn 2 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường trong nước tăng theo xu hướng thế giới, nhưng mức điều chỉnh không nhiều.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,7 - 57,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,7 - 57,42 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,5 - 57,95 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán tiếp tục giãn ra lên 1,45 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,7 - 57,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,1 – 52 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,3 - 52,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Bộ Thương mại Mỹ hôm qua thông báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới quý 2 đã tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù, dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm là bao, nhưng kinh tế Mỹ đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, thậm chí cao hơn cả thời kỳ trước địa dịch, song vẫn thấp hơn mức dự báo trước đó là 8,5%.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 7% vào năm 2021, tăng 0,6% so dự báo trước đó và vào năm 2022 sẽ tăng 4,9%, tăng 1,4% so với dự báo.
Mặc dù, kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng cao trong quý 2 và còn được dự báo tăng vững chắc ở nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, rủi ro vẫn còn khi nguy cơ làn sóng dịch bệnh Covid-19 quay trở lại bởi sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Cùng với đó, Fed vẫn giữ lập trường ôn hòa là giữ nguyên mức lãi suất gần bằng 0% và chưa hạ khối lượng mua tài sản. Điều này sẽ đẩy lạm phát cao hơn và việc gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại. Lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế không như mong đợi, khiến giới đầu tư vẫn tìm đến vàng.