Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.760 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.757 USD/ounce, cũng giảm 9 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường tự do cũng đảo chiều giảm so với chốt phiên trước, đi cùng xu hướng thế giới.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,7 – 57,42 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp không điều chỉnh giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,7 – 57,65 triệu đồng/lượng, đi ngang cảchiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 950.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 57,2 - 57,7 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 500.000 đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 50,55 – 51,35 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50,3-51,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và bán so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất vẫn tiếp tục tăng giá mạnh. Tại khu vực châu Âu, báo cáo giá sản xuất tháng 8 tăng 1,1% so với tháng 7 và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù là những số liệu đã được dự đoán trước, nhưng cho thấy chỉ số lạm phát "nóng" đang gia tăng ở khu vực này.
Thông thường theo quy luật, lạm phát tăng sẽ giúp giá vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá vàng trên thị trường quốc tế lại bất ngờ giảm bởi đồng USD tăng mạnh trở lại lên gần mức đỉnh 1 năm trong giỏ những đồng tiền chính và chứng khoán Mỹ đồng loạt hồi phục.
Chỉ số Dollar-Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chính vào đêm qua tại thị trường Mỹ đã tăng 0,13% lên 93,932 điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến đồng USD tăng là thị trường đang kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất chấp dịch bệnh có gia tăng. Dự báo bảng lương phi nông nghiệp sẽ công bố vào thứ Sáu tuần này có nhiều cải thiện, khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 488.000 việc làm trong tháng 9.
Cùng với đó, giá dầu mỏ tăng mạnh sau khi OPEC+ quyết định duy trì mức tăng nguồn cung là 400 nghìn thùng/ngày, khiến giá dầu và các đồng tiền nhạy cảm với dầu mỏ tăng cao hơn. Mỹ là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, do đó đồng USD tăng cùng nhờ hưởng lợi từ quyết định của OPEC+.
Giá vàng giảm còn do lợi tức trái phiếu trong khu vực kinh tế châu Âu (Eurozone) đang tiến gần đến mức đỉnh 3 tháng. Tại Đức, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên -0,214%.
Mặc dù đồng USD mạnh lên và lợi tức trái phiếu tăng, khiến giá vàng sụt giảm. Nhưng chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể tăng trở lại nếu báo cáo việc làm tại Mỹ kém so với kỳ vọng. Hơn nữa thị trường đang chịu sức ép lớn từ “bão” giá hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất. Ước tính giá dầu đã tăng lên mức đỉnh 7 năm. Giá xăng đã tăng 50% tại Mỹ trong vòng 1 năm qua. Khí đốt tại khu vực châu Âu đã tăng đến trên 200% từ đầu năm đến nay. Chưa kể giá sắt thép, đồng, nhôm đều tăng mạnh.
Việc tăng “nóng” giá hàng hóa đầu vào của sản xuất sẽ đẩy giá thành hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Điều này khiến cho lạm phát gia tăng mạnh và có thể xóa đi những thành quả phục hồi kinh tế trước đó. Lạm phát cũng có thể khiến cho sản xuất gặp khó khăn, đình trệ.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn 6% mức dự báo trước đó. Nguyên nhân là do đà phục hồi phân phối vaccine không công bằng nên kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều và lo ngại lạm phát trong bối cảnh giá các mặt hàng đầu vào sản xuất tăng mạnh. Các nước nghèo cũng sẽ phải chịu gánh nặng của giá lương thực toàn cầu tăng đã hơn 30% so với năm ngoái và giá năng lượng tăng. IMF cho rằng, việc lạm phát tăng liên tục có thể làm lãi suất tăng nhanh và siết chặt các điều kiện tài chính, đặt ra một thách thức lớn về nợ đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Như vậy, sự sụt giảm của giá vàng chỉ là tạm thời. Nếu các báo cáo kinh tế tới đây tại Mỹ và các nước cho thấy lạm phát tăng mạnh sẽ giúp vàng phục hồi mạnh mẽ, có thể trở lại ngưỡng 1.800 USD/ounce.