Giá vàng "nhảy múa" chóng mặt Tuần vừa qua thị trường vàng trong nước đã xuất hiện sự biến động mạnh sau một thời gian dài trầm lắng. Từ sáng 4/7 đến chiều 6/7, giá vàng đã tăng liên tục 4 triệu đồng/lượng và chạm đỉnh của hơn 3 năm trở lại đây khi đạt gần mốc 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên ngay trong chiều 6/7 đến sáng 8/7, giá vàng lại quay đầu giảm mạnh tới hơn 3 triệu đồng/lượng.
Trong những ngày cuối tuần, giá vàng cũng có biến động thất thường. Từ sáng 8/7 đến sáng 9/7, giá vàng liên tục xoay quanh ngưỡng 37 triệu đồng/lượng, có thời điểm giảm còn 36,5 triệu đồng/lượng, song lại có lúc tăng lên trên 37,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính chung cả tuần, giá vàng bán ra đã tăng được 1,7 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân bắt nguồn từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh do tác động tâm lý của thị trường sau sự kiện Brexit, điều này đã tạo ra sự khan hiếm giả tạo qua đó đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong suốt một tuần qua. Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra lên tới hơn một triệu đồng thể hiện sự bất thường, không hợp lý ở góc độ thị trường. Chính vì vậy nếu người mua vì mục đích kinh doanh ở thời điểm này phải chấp nhận mạo hiểm, năm ăn năm thua, tức có thể lãi cao nhưng cũng có thể thua lỗ nặng. Còn mua tích trữ lúc này là không nên vì với tình hình giá vàng hiện nay chưa biết những ngày tới sẽ ra sao, chuyên gia đưa lời khuyên. Giá xăng hạ lần thứ 2 liên tiếp Sau 6 lần tăng liên tục, giá bán lẻ xăng đã được điều chỉnh giảm liên tiếp 2 lần khi trong tuần qua, giá xăng RON 92 và xăng sinh học (E5) đã được điều chỉnh theo chiều hướng giảm 200 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng RON 92 chỉ còn tối đa 15.698 đồng/lít và xăng E5 còn 15.447 đồng/lít.
Đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hoả được giữ nguyên ở mức không cao hơn 12.298 đồng/lít và 10.667 đồng/lít, dầu mazut tăng 260 đồng lên 9.001 đồng/kg. Mức trích cho dầu diesel giảm còn 472 đồng/lít, trích cho dầu hỏa còn 669 đồng/lít và dầu mazut giữ nguyên ở 151 đồng/kg. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào 20/6, giá xăng RON 92 giảm 341 đồng/lít xuống mức tối đa 16.168 đồng/lít và xăng E5 cũng giảm 336 đồng/lít xuống mức tối đa 15.647 đồng/lít. Các mặt hàng dầu được phép tăng từ 350 - 390 đồng/lít,kg, tuỳ loại. Cũng trong đợt này, Bộ Tài chính đã công bố mức thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở. Cụ thể, trong quý 3, mức thuế nhập khẩu áp dụng đối với xăng là 15,74% giảm so với mức đang áp dụng là 18,35%. Thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng dầu diesel cũng giảm so với quý 2 giảm xuống còn 1,84% từ mức 2,32% trong quý trước. Dầu mazut và dầu hoả giữ nguyên ở mức 0%. Siêu dự án lọc dầu 20 tỷ USD tại Việt Nam Theo thông tin được Reuters đăng tải trong tuần qua, Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã xác nhận hoãn thực hiện Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội, dự án từng được đăng ký với vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, trong đó có 20% đến từ Chính phủ Việt Nam. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ những biến động của thị trường dầu thô thế giới, cùng với một số thay đổi về mặt thuế cũng như chính sách tại Việt Nam.
Được biết, và năm 2012, khi mới công bố quyết định đầu tư, dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội đã gây chú ý mạnh với nhiều con số ấn tượng như diện tích rộng 2.000ha, tổng mức đầu tư cam kết trên 28 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn/năm và số việc làm trực tiếp vào khoảng 30.000 lao động và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp. Dự án này cũng được hưởng nhiều ưu đãi như thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.... Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ dừng lại trên giấy. Quy mô cam kết đầu tư sau đó giảm xuống 22 tỷ USD và hiện chỉ còn 20 tỷ USD. Đáng chú ý, hiện tại UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa nhận được hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho dự án này. Không chỉ PTT, nhiều hãng lọc dầu lớn trên thế giới từng dự định đầu tư lớn vào Việt Nam đã phải tính toán lại, bên cạnh là hàng loạt các cuộc rút lui như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar tại dự án lọc dầu Long Sơn (Vũng Tàu), Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi)… Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đến từ giá dầu hiện tại đang ở mức thấp khiến những tính toán về lợi nhuận của các nhà đầu tư phải thay đổi. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, khiến hàng rào thuế quan về 0%, vì vâyh những ưu đãi để kéo các nhà đầu tư ngoại vào ngành hóa dầu dần bị các FTA này vô hiệu hóa. Đại gia bán lẻ Miniso vào Việt Nam Theo thông tin từ Tập đoàn Lê Bảo Minh, thương hiệu bản lẻ hàng tiêu dùng ứng dụng thời trang hàng đầu Nhật Bản - Miniso, sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi đơn vị này. Được biết, Lê Bảo Minh cũng chính là nhà phân phối độc quyền thương hiệu Nhật Bản khác - Canon (Nhật Bản) trong hơn 15 năm qua với hơn 230 đại lý trên cả nước.
Ảnh minh họa |
Với hệ thống bán lẻ của Miniso, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng dịch vụ bán hàng theo đúng chuẩn Nhật Bản. Với hơn 10.000 sản phẩm được bày bản sẽ đảm bảo bằng những chứng nhận lưu thông ở những thị trường khó tính nhất như Nhật, châu Âu hay Mỹ với giá chỉ từ 43.000 đồng. Ngoài ra Miniso cũng sở hữu đội ngũ hơn 10 nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật Bản và thế giới vì vậy mỗi tháng, trên kệ hàng của hãng luôn xuất hiện khoảng 100 sản phẩm, mẫu mã mới. Đánh giá về khả năng cạnh tranh, phía Lê Bảo Minh cho rằng, do có những đặc tính thương hiệu khác biệt nên Miniso sẽ không gặp áp lực cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu bán lẻ khác đang có mặt tại Việt Nam. Đối tượng khách hàng là giới trẻ, đây sẽ là mô hình bán lẻ mới xuất hiện tại Việt Nam. Hiện tại Miniso đã có 6 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 13 cửa hàng ở cả Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ và Hải Phòng. Về dài hạn, mục tiêu của Miniso trong 5 năm tới là mở 200 cửa hàng tại hầu hết các tỉnh thành, tạo công việc cho khoảng 5.000 lao động.