Mở cửa phiên đầu tuần, lúc 8 giờ 40 (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.224 USD/oz, tăng nhẹ 2 USD so với giá chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng SJC trên thị trường tự do trong nước hôm nay đi ngang, các DN tăng nhẹ giá lên 20.000 đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua-bán ở TP Hồ Chí Minh quanh mức 36,38-36,54 triệu đồng/lượng. Cùng lúc, giá vàng trên thị trường Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch quanh mức 36,38-36,56 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều niêm yết ngang so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 160.000 – 180.000 đồng/lượng.
|
Giá vàng thế giới và SJC tăng nhẹ phiên đầu tuần. Ảnh minh hoạ. |
Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán vàng SJC cùng lúc ở mức 36,4 -36,5 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 100.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 36,4 -36,5 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 100.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn sáng nay có DN giảm giá, nhưng có DN niêm yết ngang giá so với chốt phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn Rồng Thăng Long được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua - bán ở mức 34,88-35,33 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán 450.000 đồng/lượng.
Nhẫn phú quý 24k được Công ty Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 34,8 -35,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán 400.000 đồng/lượng.
Công ty CPĐT và kinh doanh vàng Việt Nam cũng niêm yết giá vàng nhẫn VIETNAMGOLD mua – bán ở mức 34,8 – 35,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán 400.000 đồng/lượng.
Chuyên gia đánh giá, báo cáo kinh tế tăng trưởng của khu vực Đông Nam châu Á đang chậm lại do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 khu vực này chỉ đạt 4,5%, trong khi đó năm 2017 đạt 5,5%, với hàng loạt nước bị suy giảm tăng trưởng ... Đây là những yếu tố khiến nhà đầu tư xem xét kế hoạch mua vàng hạn chế rủi ro cho dòng tiền.
Hôm nay (26/11), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ điều trần về nền kinh tế và chính sách tiền tệ trước Nghị viện châu Âu ở Brussels, với hàng loạt các vấn đề tăng trưởng kinh tế, Brexit …
Các ngày 27, 28, 29/11 New Zealand sẽ công bố số liệu thương mại, niềm tin kinh doanh. Mỹ công bố báo cáo về niềm tin tiêu dùng; số liệu điều chỉnh về tăng trưởng quý III và báo cáo về doanh số bán nhà; số liệu xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, chi tiêu cá nhân, chỉ số tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) – thước đo lạm phát tác động đến quyết định của FED về lãi suất. Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu, công bố nội dung chi tiết cuộc họp chính sách trong tháng 11. Anh công bố báo cáo về cho vay ròng và phân tích về Brexit.
Đặc biệt, ngày 30/11 sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina. Cùng ngày, Trung Quốc công bố số liệu hoạt động sản xuất và phi sản xuất. EU công bố số liệu lạm phát sơ bộ.
Như vậy, một tuần đầy dẫy những yếu tố tác động vào thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và trong nước. Trong đó, vàng rất nhạy cảm với các số liệu báo cáo tăng trưởng kinh tế và việc làm, vì đây là cơ sở để FED quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 hay không. Thêm nữa cuộc gặp giữa 2 nhà Chính trị cấp cao của Mỹ - Trung nếu suôn sẻ thì thị trường tài chính tiền tệ sẽ bình lặng, nếu ngược lại sẽ đẩy vàng tăng mạnh và chứng khoán có thể lao dốc. Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ các sự kiện diễn ra trong tuần để có quyết định đầu tư đúng, tránh rủi ro.