Giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng, giá vàng có 3 tháng tăng, còn 8 tháng giảm; tính chung sau 11 tháng đã giảm 3,68%, hiện ở dưới mức 35,4 triệu đồng/lượng, khả năng cả năm còn giảm với tốc độ cao hơn và ở mức thấp hơn.
Khách hàng chọn đồ nữ trang tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Việt Linh
|
Trên thế giới, giá vàng giảm do nhiều nguyên nhân. Đó là sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ (có thể tăng 3,9%, cao hơn dự kiến trước đó). Từ cuối năm 2008 - khi cuộc khủng hoảng thế giới xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm ra thị trường 4.000 tỷ USD. Cũng đã tới 6 năm, tính từ cuối năm 2008, lãi suất đồng USD được giữ ở mức không thể thấp hơn (0 - 0,25%). Mặc dù vậy, lạm phát ở Mỹ đã không tăng như kỳ vọng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm. Mới đây, FED đã tuyên bố kết thúc chương trình nới lỏng định lượng QE3 - chấm dứt việc bơm tiền ra thị trường để kích thích tăng trưởng. Có thể, không lâu nữa, lãi suất đồng USD sẽ được nâng lên. FED đang lo ngại Mỹ và thế giới có thể rơi vào thời kỳ giảm phát. Giá vàng trên thế giới được mua bán và tính giá bằng USD, trong khi đó, chỉ số USD Index - chỉ số đo sức mạnh, giá đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới - hiện ở mức khá cao (87,59 điểm), cao nhất so 52 tháng trước đó. Các diễn biến trên đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng với tư cách là nơi trú ẩn của dòng vốn khi lạm phát cao.
Một yếu tố tác động không nhỏ đến giá vàng là giới đầu cơ quốc tế đã bán tháo vàng. Lượng vàng nắm giữ của các quỹ tín thác đầu tư kim loại quý (ETF) xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong đó Quỹ ETF lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust đang ở mức thấp nhất trong 6 năm nay. Đến nay, giá vàng thế giới chỉ còn ở mức 1.195 USD/ounce - thấp nhất kể từ năm 2010, chỉ bằng khoảng 62% lúc đỉnh điểm. Đã có dự báo khả năng giá vàng còn giảm xuống dưới 1.100 USD, thậm chí chỉ còn khoảng 1.000 USD/ounce trong vài năm sau.
Không nên đầu tư
Thực tế, lượng vàng ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu, nên biến động của giá vàng thế giới sẽ tác động đến giá vàng trong nước. Thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới. Bởi vậy, dù NHNN độc quyền trong việc xuất/nhập khẩu vàng miếng, nhưng trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, việc chênh lệch giá cao như trên sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu, nhất là các nhà đầu cơ. Các nhà đầu cơ sẽ có nhiều cách để nhập lậu vàng khi giá vàng trên thế giới thấp hơn, giảm nhanh hơn so với trong nước. Có thể đây cũng là một trong những yếu tố làm cho tỷ giá VND/ngoại tệ ở trong nước dù tính chung cả năm thì tăng thấp, nhưng một năm thường có vài ba lần tạo sóng.
Lượng vàng ở trong nước, sau khi NHNN cung ứng thông qua đấu thầu trong những năm trước, đã khá cao, tuy có thể chưa bằng mức đỉnh điểm. Đó là lượng vốn không nhỏ đã bị "chôn" vào vàng. Tình trạng vàng hoá đã giảm so với khi dùng vàng thanh toán trong nhiều thương vụ mua bán trước đây (nhà đất, xe máy...), nhưng vẫn không giảm nếu so với lượng vàng tồn đọng và tính theo giá hiện nay.
Về truyền thống và tâm lý, mặc dù lạm phát từ 3 năm nay đã chậm lại, tỷ giá đã ổn định, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên để tiến tới phục hồi, nhưng do lãi suất tiết kiệm thấp, bất động sản còn trầm lắng..., người dân vẫn tích trữ vàng theo truyền thống và tâm lý "tích cốc phòng cơ".
Dù giá vàng giảm cũng có thể kích thích mua vàng, nên vẫn có thể biến động theo hình răng cưa (có tăng, có giảm), tuy nhiên, không nên đầu tư vào vàng. So với đỉnh điểm giá vàng thế giới còn 62%, trong khi giá vàng trong nước còn 72%; chênh lệch giá giữa thế giới và trong nước lớn hiện nay cũng có thể được kéo giảm theo cơ chế thị trường.