Bởi vậy, xu hướng giá vàng trong dài hạn là xu hướng giảm. Nếu đầu tư vàng, nên cân nhắc thời điểm hợp lý để bán vàng, vì giá vàng sẽ còn xuống.
Một số ngân hàng cần thêm thời gian để tất toán
Trước đây, nhiều dự báo cho rằng, sau khi các ngân hàng tất toán được trạng thái vàng, nhu cầu vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, sau ngày 30/6, nhu cầu mua vàng vẫn cao, vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
- Nguyên nhân việc DN, ngân hàng tăng cường mua vàng thông qua các phiên đấu thầu có thể là do một số ngân hàng thương mại muốn tất toán nhưng vẫn khó về thanh khoản, không có tiền mặt để mua vàng, nên kéo dài việc mua vàng sau ngày 30/6.
Dự báo giá vàng trong dài hạn sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Thanh Hải
Bên cạnh đó, việc tất toán vàng huy động thì dễ, nhưng tất toán vàng cho vay thì không đơn giản. Để thu nợ số vàng đã cho vay, một số ngân hàng chọn cách biến nợ vàng thành nợ tiền, nhưng DN vay không chịu, nên cần có thời gian. Bởi vậy, sau 30/6, sẽ mất thêm một thời gian nữa ngân hàng mới có thể tất toán vàng cho vay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu một số ngân hàng ngừng dịch vụ giữ hộ vàng. Phải chăng đây phải là biện pháp "không quản được thì cấm", thưa ông?
- Đây không phải là động thái chứng tỏ NHNN không quản được. Quy định Nhà nước đưa ra, nếu ngân hàng hay bất cứ một cơ quan cá nhân nào không thực hiện, nhẹ thì cảnh báo, kỷ luật, phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh, nặng hơn thì xử lý hình sự. Một số ngân hàng "ăn gian", lấy vàng giữ hộ đi kinh doanh, bị NHNN "tuýt còi" là đương nhiên.
Chênh lệch cao, nhưng vàng lậu ít
Sau ngày 30/6, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Việc NHNN độc quyền sản xuất, hạn chế nhập khẩu vàng, biến SJC thành thương hiệu vàng quốc gia là việc bắt buộc phải làm trong ngắn hạn. Có mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, điều này sẽ tăng dự trữ ngoại tệ lên sau khi kênh này xuống mức thấp kỷ lục năm 2008.
Thứ hai, muốn tỷ giá hối đoái ổn định thì dự trữ tỷ giá phải lớn để đủ sức can thiệp. Hạn chế nhập khẩu vàng là để bảo vệ cán cân thanh toán. Nhược điểm của việc hạn chế nhập khẩu vàng là khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nhập lậu vàng lớn. Để tránh việc "hợp pháp hóa vàng lậu" bằng cách thuê SJC gia công lại như trước đây, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã quy định Công ty SJC sẽ trực thuộc NHNN. Mọi hoạt động ra vào trong quá trình gia công vàng SJC đều được quản lý chặt. Bởi vậy, vàng lậu sẽ không có cửa để "chui" vào máy dập vàng SJC.
Dự trữ ngoại tệ tăng lên, chênh lệch giá cao nhưng không có vàng lậu - đó là những cái được của chính sách quản lý vàng thời gian qua. Tuy nhiên, trong dài hạn, để giá vàng trong nước và thế giới liên thông, có lẽ, Chính phủ nên quay lại cho xuất nhập vàng với quota tự do hơn, hoặc có thể thành lập sàn vàng quốc gia.
Hiện, một số DN đang thực hiện nghiệp vụ cho vay vàng. Điều này có gây rủi ro gì không?
- Việc NHNN cấm các ngân hàng thương mại huy động và cho vay vàng là vì lo ngại việc ngân hàng huy động vàng của người dân rồi đem ra kinh doanh. Nếu có rủi ro, ngân hàng lấy tiền huy động của người dân để bù thì rất nguy hiểm.
Nếu các DN kinh doanh vàng cho vay thì tôi nghĩ sẽ không sao. Vì việc DN kinh doanh mua bán, cho vay vàng, DN sẽ phải tự chịu rủi ro với các quyết định kinh doanh của mình và người dân không bị ảnh hưởng về quyền lợi.
Xin cảm ơn ông!