KTĐT - Nhận định sự vận động của giá vàng thời gian tới, ông Lưu Văn Điền, Phó Tổng giám đốc SJC Hà Nội cho rằng, giá vàng đạt mức 1.100 USD/ounce là cực đỉnh của thị trường vàng thế giới và thời gian tới giá vàng có thể quay đầu.
Hơn hai tuần qua, thị trường vàng miếng trong nước liên tục “quay cuồng” trong cơn sốt giá và không ít các nhà đầu tư vẫn lao vào "chảo lửa” này.
Điều đáng nói, có phiên giao dịch, sự vận động giá vàng trong nước không hề theo giá thế giới, thậm chí có lúc giá vàng trong nước đã bỏ xa giá thế giới tới 1,2-1,5 triệu đồng/lượng. Vậy lực kéo nào đã tạo ra sự “lệch pha”?
Liên tục phá vỡ kỷ lục
Ngày hôm nay (11/11), giá vàng đã chính thức xô đổ mọi kỷ lục nắm giữ trước đó và vượt qua ngưỡng 29 triệu đồng/lượng!
Cụ thể, vào lúc 11 giờ 30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố trên website của mình giá mua vào và bán ra lần lượt là 28,4 và 29 triệu đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tăng gần 2 triệu đồng so với đầu giờ sáng. Trong khi đó, giá bán công bố tại thị trường Hà Nội còn lên đến 29,02 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ chưa đầy 11 tháng từ tháng 1/2009 đến đầu tháng 11/2009, giá vàng trong nước đã tăng trên 50%, từ 18 triệu đồng/lượng leo lên 29,02 triệu đồng/lượng.
Nhìn lại từ cuối tháng 10/2009 (29 - 30/10), khi giá vàng thế giới biến động ở mức 1.032-1.046 USD/ounce thì giá vàng trong nước dao động ở mức 23,50-23,80 triệu đồng/lượng, tăng 500-600 ngàn đồng/lượng so với trước đó. Cũng từ đây, giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục mới.
Tính riêng đầu tuần qua, khi giá thế giới tăng thêm 30 USD/ounce, từ mức 1.050 USD/ lên 1.080 USD/ounce thì giá vàng trong nước đã tăng tới 800.000 đồng/lượng, nghĩa là từ mức 23,90 triệu đồng/lượng lên 24,70 triệu đồng/lượng.
Sau đó, giá vàng thế giới tiếp tục nhích lên thêm 10 USD/ounce và đứng ở mức 1.090 USD/ounce thì giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng thêm tới 500.000/lượng, dao động từ 25,3-25,78 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, trong hai ngày liên tiếp (10-11/11), giá vàng liên tục làm mọi người "đứng ngồi không yên" và dẫn đến cảnh người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ vì lo ngại sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Có "đầu cơ" trục lợi?
Giới phân tích cho rằng, khi kinh tế bị suy thoái, mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách giải quyết khác nhau nhưng nhìn chung đều tăng lượng cung tiền để kích thích nền kinh tế.
Chính điều này làm cho đồng đôla Mỹ bị suy yếu so với các ngoại tệ mạnh khác. Tính từ đầu năm 2009, đôla Mỹ đã sụt giảm 0,6% so với đồng euro và 0,7% so với đồng bảng Anh. Chỉ số USD - thước đo giá trị so với cả gói tiền tệ, đã giảm đến 10% kể từ tháng 3 năm nay.
Điều này khiến cho giới phân tích tài chính lo ngại lạm phát có thể trở lại trong thời gian tới. Chính vì vậy, thay vì “ôm” ngoại tệ, vàng trở thành sự lựa chọn của nhà đầu tư để “ẩn nấp”, bảo toàn vốn.
Sự chuyển hướng cũng làm cho thị trường vàng thời gian qua trở nên sôi động, bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khi liên tục có những “lực kéo” khiến giá vàng trong nước tăng nhanh hơn và bỏ xa giá vàng thế giới từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/lượng.
Mặt khác, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, chính yếu tố tâm lý đã góp phần đẩy giá vàng ltiếp tục "đi xa" hơn. Thông tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tung 200 tấn vàng để bán cho Ngân hàng Trung ương Ấn Độ với mức giá khá cao là 1.045 USD/ounce đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư. Nhiều người nhìn nhận là giá vàng chắc sẽ còn lên nữa.
Ở trong nước, tin đồn về việc nới biên độ tỉ giá khiến giá USD thị trường tự do ngày 8/11 đạt mức 19.000 đồng/USD. Lập tức, thị trường vàng cũng “hưởng ứng” và “neo” ở mức cao, đạt trên 25,78 triệu đồng/lượng.
Hiện tượng găm hàng chờ giá cao để chốt lời đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng, những ngày qua chênh lệch giữa giá mua và giá bán có lúc được đẩy lên 150 ngàn đồng/lượng, rồi 240 ngàn đồng/lượng, thậm chí xấp xỉ mức 350 ngàn đồng/lượng.
Giải thích mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán, nhiều cửa hàng tuyên bố: hàng đang khan hiếm, mức chênh lệch tăng lên để hạn chế lượng bán(?).
Không đồng tình với lời giải thích này, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu trong nước không nhiều nhưng do Việt Nam thực hiện giảm nhập siêu nên giá vàng trong nước tăng.
“Việc người dân thấy vàng tăng giá đổ xô đi mua khiến giá tăng và chủ cửa hàng thừa cơ găm hàng lại,” ông Khánh nhấn mạnh.
Giá vàng sẽ “nhảy” theo điệu nào?
Nhận định sự vận động của giá vàng thời gian tới, ông Lưu Văn Điền, Phó Tổng giám đốc SJC Hà Nội cho rằng, giá vàng đạt mức 1.100 USD/ounce là cực đỉnh của thị trường vàng thế giới và thời gian tới giá vàng có thể quay đầu.
“Trong bối cảnh này, việc tham gia đầu tư ngắn hạn, lướt sóng là rất mạo hiểm, nhà đầu tư có thể sẽ gặp rủi ro”, ông Điền cảnh báo.
Chính vì vậy, ông cũng khuyên các nhà đầu tư ngắn hạn, cần phải hết sức thận trọng không nên dùng tiền đi vay mượn để đầu tư vàng.
Vàng thế giới tăng giá đột biến trong một tuần qua là do đồng USD tiếp tục suy yếu sau khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục; nhiều nước tiếp tục bơm tiền kích thích tăng trưởng kinh tế và Ấn Độ mua 200 tấn vàng của IMF ở mức giá cao.
"Trước mắt, tạm thời chưa có thêm yếu tố nào kéo vàng đi lên. Thị trường đang theo dõi động thái của ngân hàng trung ương các nước về việc có đẩy mạnh mua vàng nữa hay không. Nhưng điều này dường như khó xảy ra vì ứng cử viên sáng giá nhất là Trung Quốc có thể sẽ mua gom vàng từ các nguồn trong nước, thay vì mua vàng của IMF," ông Điền nhận định.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc lại dự báo, sau ngày 20/11 tới, thị trường thế giới có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh trước khi tiếp tục tăng trở lại.
Tuy nhiên, ông Trúc cũng cho rằng, nhà đầu tư nên cảnh giác bởi đà tăng nóng của giá vàng trong nước những ngày qua một nửa là thật, một nửa là “bong bóng” và chắc chắn có sự “thổi giá” của giới đầu cơ./.