Vàng thế giới tăng mạnh do lo ngại bất ổn
Tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng mạnh kỷ lục chưa từng có. Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mốc 1.339 USD/oz.
Sau 2 phiên đầu tuần giá vàng chỉ nhích nhẹ thì đến 3 phiên cuối tuần, giá vàng thế giới đã tăng mức phi mã 2 con số mỗi phiên. Chỉ sau 3 phiên, giá vàng thế giới đã lên mức 1.406 USD vào sáng qua tại thị trường châu Á.
Tính từ mức giá mở cửa đầu tuần 1.339/oz đến mức giá cao nhất vào sáng qua trên 1.406 USD/oz, giá vàng đã tăng đến 67 USD/oz.
Dù chốt phiên tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đã đảo chiều đi xuống so với thị trường châu Á trước đó, đứng ở mức 1.399,5 USD/oz, những vẫn tăng 10 USD/oz so với chốt phiên trước.
Sáng nay, lúc 8 giờ (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mốc 1.399 USD/oz, giảm nhẹ 7 USD/oz so với phiên sáng qua. Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đã tăng đến trên 60 USD/oz, đây là mức giá tăng kỷ lục chưa từng có.
Nguyên nhân là do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không hạ lãi suất đồng USD. Nhưng cơ quan này đưa ra dự báo sẽ xem xét hạ lãi suất vào thời điểm thích hợp với tình hình kinh tế. Hiện nay tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và việc làm vẫn tốt, chỉ có lạm phát chưa đạt đến tỷ lệ mục tiêu 2%.
Nhiều chuyên gia đã phân tích dự báo của Fed. Đúng theo quy luật của thị trường thì khi Fed không cắt giảm lãi suất, cũng đồng nghĩa với nền kinh tế Mỹ vẫn khả quan. Điều này, suy luận theo quy luật thì phải gây áp lực lên vàng.
Thế nhưng, vàng lại có 3 phiên tăng mạnh. Thực chất, chuyên gia và giới đầu tư cho rằng, Fed chờ đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Trung Quốc – Tập Cận Bình tại G20.
Fed muốn tìm kiếm đường hường giải quyết căng thẳng thương mại giữa 2 nhà lãnh đạo cấp cao. Nếu 2 nhà lãnh đạo mở ra con đường hạ nhiệt cuộc chiến thương mại thì Fed chưa hạ lãi suất. Ngược lại, cả 2 bên không tìm được tiếng nói chung, nhất là phía Trung Quốc vẫn giữ quan điểm như trước thì có thể ông Trump đánh thêm 300 tỷ USD tiền thuế lên toàn bộ sản phẩm hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Lúc này Fed mới có thể xem xét việc hạ lãi suất hỗ trợ các DN.
Nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng vào bởi họ suy đoán rằng, khi Fed dự báo có thể hạ lãi suất, đồng nghĩa với việc nền kinh tế không còn tăng trưởng tốt như kỳ vọng. Cùng với đó, Mỹ gia tăng lực lượng đến Trung Đông, nhà đầu tư lo ngại chiến tranh vũ khí có thể diễn ra tại khu vực. Lúc này vàng là điểm tựa của đồng tiền. Nhà đầu tư đã tranh thủ mua vàng khi giá thấp.
Vàng SJC biến động bất thường
Tuần qua, giá vàng SJC có phiên đi cùng xu hướng thế giới, nhưng có phiên biến động ngược chiều. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá của các DN và thị trường đều khá nhiều bất thường.
Cụ thể, 2 phiên đầu tuần, giá vàng trong nước cũng biến động nhẹ theo xu hướng thế giới. 3 phiên giữa tuần giá vàng đã tăng mạnh. Có phiên tăng đến 900.000 đồng/lượng. Vào thời điểm sáng qua, giá vàng SJC đã leo lên mức trên 39,2 triệu đồng/lượng, khi đó vàng thế giới ở mức gần 1.407 USD/oz.
Tuy nhiên, đến chiều qua khi thị trường quốc tế bước vào phiên giao dịch tại Mỹ, thì giá vàng đã giảm xuống đứng sát mốc 1.400 USD/oz, giảm gần 7 USD. Cùng thời điểm này,giá vàng trong nước SJC đã giảm mạnh mất trên 200.000 đồng/lượng tại thị trường tự do, đóng cửa ở mức 38,4 – 38,65 triệu đồng/lượng; Tại Doji đã giảm đến trên 600.000 đồng/lượng, chốt phiên hôm qua đứng ở mức 39,2 – 39, 65 triệu đồng/lượng.
Đầu phiên sáng nay, khi thị trường quốc tế vẫn giữ mức giá vàng ở 1.399,5 USD/oz, nhưng vàng SJC tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, Doji tăng đến 400.000 đồng/lượng,; thị trường tự do tăng trên 250.000 đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 38,6 – 38,85 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 38,6 – 38,87 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Tuy nhiên, chỉ khoảng 15 phút sau khi mở cửa giá vàng SJC tại các thị trường trên lại tăng thêm 50.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 250.000 – 270.000 đồng/lượng.
Tính chung, trong tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 1,25 triệu đồng so với giá mở cửa tuần.
Các DN cũng tăng mạnh giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết mua - bán ở quanh mức 38,6 – 38,9 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán từ 550.000 đồng giảm xuống còn 300.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 38,6 – 38,9 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 300.000 đồng/lượng.
Tính chung trong tuần vàng SJC đã được các DN tăng 1,22 triệu đồng/lượng so với gái mở cửa tuần.
Sáng nay, vàng nhẫn được các DN tăng giá so với chốt phiên trước. Cùng thời điểm trên, vàng nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết, mua - bán ở mức 38,5 – 38,9 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán 400.000 đồng/lượng.
Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam niêm yết giá vàng nhẫn VIETNAMGOLD mua - bán ở mức 338,5 – 38,9 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán là 400.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn rồng thăng long được công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết duy trì ở mức 38,3 – 38,85 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán 450.000 đồng/lượng.
Tính chung, tuần qua vàng nhẫn đã tăng 1,25 triệu đồng/lượng so với đầu tuần. Đặc biệt, phiên sáng nay thị trường quốc tế không có biến động giá, nhưng giá vàng trong nước vẫn biến động mạnh. 2 phiên trước chênh lênh mua – bán giãn ra đến 700.000 đồng/lượng. Như vậy, khi người mua phải chịu mức giá cao, nhưng bán ra chịu lỗ lớn bởi mức chệnh lệch giữa 2 chiều mua – bán quá xa nhau.
Thêm nữa, giá vàng nhẫn luôn ngang bằng hoặc thậm chí có phiên còn cao hơn giá vàng miếng SJC. Đây là điều bất thường trên thị trường vàng Việt Nam. Vì vàng nhẫn là sản phẩm có nhiều người giao dịch.