Nguyên nhân là do các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào chứng khoán khiến các thị trường toàn cầu đồng loạt tăng mạnh. Bên cạnh những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế Mỹ, sự sụt giảm về nguồn cung do Royal Dutch Shell Plc buộc phải đóng cửa 2 đường ống dẫn dầu để sửa chữa đã giúp giá dầu có thời điểm tăng mạnh, thoát khỏi mức đáy 6 năm, bất chấp nhu cầu tại thị trường châu Á vẫn yếu.
Chốt phiên giao dịch cuối tháng 8, giá dầu tăng 3,98 USD/thùng, tương đương 8,8%, lên mức 49,2 USD/thùng. Như vậy, tính tổng 3 phiên gần đây nhất, giá dầu đã tăng 27,5 %, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 9%, hoàn thành chuỗi 3 phiên tăng giá mạnh nhất trong vòng 25 năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc giá dầu tăng trong 3 phiên vừa qua chưa đủ để khẳng định về sự hồi phục vững chắc của "vàng đen". Bằng chứng là trong phiên sáng 1/9 trên thị trường châu Á, dầu đã lập tức giảm 1,58 USD/thùng, tương đương 3,21%, xuống mức 47,62 USD/thùng. Cùng với sự tăng trở lại của giá dầu thì thị trường vàng quốc tế cũng có nhiều khả quan. Sáng 1/9, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1142,11 USD/oz (mua vào) và 1135,19 USD/oz (bán ra). Lúc 15h20′ (giờ New York), giá vàng tăng 0,04% lên 1.134 USD/ounce. Tính chung trong tháng 8, giá vàng tăng 3,5%, là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1 sau khi lo ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc gây ra làn sóng mua bù trạng thái hồi đầu tháng này.
Như vậy, giá vàng đã lấy lại được gần như những gì đã mất ở tháng trước đó. Giá dầu tăng mạnh hỗ trợ đắc lực cho giá vàng tăng theo, theo đó các quỹ phòng hộ và nhà quản lý tiền tệ đã tăng gấp đôi tỷ lệ đặt cược giá vàng tăng trong tuần qua. Mặc dù giá dầu và giá vàng đang có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo thị trường vàng và "vàng đen" chưa thể ổn định và có nhiều biến hóa phức tạp.