Bộ GTVT sẽ đưa ra cơ chế phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, đáp ứng được hoạt động của các hãng hàng không.
Vừa qua, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đề xuất lên Bộ GTVT về vấn đề áp dụng giá sàn và nâng giá trần vé máy bay. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đồng tình với đề xuất này. Trong khi đó, Vietjet Air - hãng hàng không nổi tiếng với việc bán vé 0 đồng lại phản đối kịch liệt.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, đề xuất bổ sung giá sàn và nâng giá trần máy bay sẽ được Cục nghiên cứu và nghe phản biện xã hội rồi mới trình lên Bộ GTVT |
“Giá vé máy bay ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực vận chuyển hàng không, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân dưới tư cách là khách hàng. Trước đề xuất của các hãng hàng không, và được Bộ GTVT giao nghiên cứu, Cục Hàng không sẽ căn cứ vào hệ thống pháp luật về giá, Luật Cạnh tranh, chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường, đặc thù của ngành hàng không hiện nay và thực tiễn quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, đặc biêt là lợi ích của người dân được tiếp cận loại hình hàng không… để có câu trả lời sớm nhất”, ông Lại Xuân Thanh cho hay.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết thêm, nếu nói về công cụ điều tiết giá trần-giá sàn thì phải nói về Luật Hàng không 2006, đến năm 2014 khi sửa đổi Luật Hàng không thì Quốc hội vẫn quyết định khung giá, hãng hàng không quyết định giá bán trong khung giá mà Bộ GTVT quy định.
Tức là, Luật Hàng không cho phép sử dụng công cụ giá trần-giá sàn để điều tiết giá. Không phải trong nền kinh tế thị trường là cứ tự do cạnh tranh mà không có công cụ để điều tiết nào. Nhà nước có quyền áp biện pháp để chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Quốc hội đã cho phép việc này, nhưng việc áp dụng như thế nào thì phải căn cứ rất nhiều vào thực tiễn như trên.
“Đề xuất nâng giá trần và bỏ giá trần đã có từ lâu bởi trong điều kiện kinh tế thị trường thì không nên áp dụng giá trần. Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu phải có giá trần vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không báo cáo về tất cả các phương án và các phương án này đều phải được đánh giá tổng thể, từ cơ sở pháp lý đến chính sách vĩ mô, điều tiết thị trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, cũng như thực tế phát triển của ngành hàng không đã cần Nhà nước phải can thiệp bằng những công cụ cho phép hay chưa? Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu, nghe phản biện của nhà khoa học, xã hội, cũng như doanh nghiệp, thì mới có thể đề xuất được”, ông Thanh nói.
Nói thêm về vấn đề giá trần-giá sàn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, cơ quan Nhà nước không nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp nào, mà đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. Bộ GTVT sẽ đưa ra cơ chế phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, đáp ứng được hoạt động của các hãng hàng không. Lợi nhuận thu được là do chất lượng dịch vụ, chứ không phải do nâng giá vé.