Theo tính toán, nếu áp dụng các mức thu mới theo quyết định mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng thêm (161,53 tỷ đồng) thì chi phí cho một vé bay sẽ tăng 4.531 đồng/hành khách. Trong khi đó, giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân tăng 25.854 đồng/khách. Tính chung tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho một vé máy bay là 30.385 đồng.
Thực tế hiện nay, các hãng hàng không đang thu hộ nhà chức trách hàng không từ hành khách như phí phục vụ sân bay, phí soi chiếu an ninh… Những loại phí này tách bạch với giá vé máy bay, nhưng sẽ được tính vào tổng mức chi phí mà hành khách phải trả. Đặc biệt, các khoản phí thu hộ này được hiển thị ngay trong giá vé, hành khách có thể cập nhật được trên hệ thống bán vé của mỗi hãng.
Đại diện các hãng hàng không cho biết, việc tăng giá dịch vụ hàng không sẽ làm tăng chi phí cho các hãng nhưng tác động không đáng kể đến vé máy bay do giá vé bình quân đang rất thấp.
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air cũng cho rằng, chi phí dịch vụ hàng không là một trong những loại chi phí cấu thành dịch vụ vận chuyển nên giá dịch vụ hàng không tăng thì giá vé sẽ tăng. Song, mức tăng tác động lên giá vé sẽ là không lớn, vẫn có vé giá rẻ ở những mức giá khác nhau.
“Hiện các hãng hàng không đều linh động trong việc chia vé máy bay thành nhiều dải giá khác nhau, thời điểm khác nhau tùy hành khách lựa chọn”, đại diện Vietjet cho hay.
Theo đại diện Jetstar Pacific, mức tăng vé máy bay cụ thể sẽ phụ thuộc vào chi phí tăng lên và sức mua của thị trường bởi giá dịch vụ hàng không là một trong những yếu tố cấu thành dịch vụ vận chuyển.
“Căn cứ vào mức tăng cụ thể, các hãng sẽ có những tính toán và điều chỉnh cho phù hợp, biến động yếu tố đầu vào sẽ dẫn tới biến động yếu tố đầu ra,” đại diện hãng bay này phân tích.
ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho rằng, mức giá dịch vụ hàng không hiện tại do Bộ Tài chính ban hành đều có sự hỗ trợ đối với vận tải hàng không trong nước.
Cụ thể, giá cất/hạ cánh quốc nội chỉ bằng 34% quốc tế và đáp ứng 34,3 - 35,8% giá thành. Giá phục vụ hành khách quốc nội cũng rất thấp, chỉ bằng 14,8% so với giá phục vụ hành khách quốc tế và chỉ tương đương 47,9% giá thành.
Nhìn nhận chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hàng không trong nước những năm qua đã thúc đẩy ngành này phát triển nhưng ông Thanh cũng chỉ ra sự mất cân bằng giữa vận tải hàng không so với các hình thức vận tải khác.
“Giá vé máy bay của Vietjet Air và Jestar Pacific tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trung bình là 865.000 đồng/người/chiều, trong khi giá vé tàu hỏa trên hành trình này dao động từ 1.033.000 - 1,5 triệu đồng/người/chiều. Điều này là bất hợp lý”, ông Thanh bày tỏ.
Đánh giá khả năng tác động lên giá vé là thấp, theo ông Thanh, nguồn doanh thu bổ sung do tác động từ sự điều chỉnh giá là rất cần thiết, góp phần giải bài toán tìm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng bình quân 5.561 tỷ đồng/năm.