Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu giảm mạnh, kết thúc tuần với nhiều dữ liệu xấu

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu thô trong khi nguồn cung lại có khả năng tăng cao, đã đẩy giá xăng dầu khép tuần giao dịch với đà giảm mạnh.

Chốt tuần giao dịch, ngày 15/8 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 67,83 USD/thùng, giảm 1,07 USD/thùng trong phiên; trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 70,23 USD/thùng, giảm 1,08 USD/thùng trong phiên.
Mặc dù giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn ghi nhận tuần tăng giá mạnh.
Ảnh minh họa.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.173 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.179 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.405 đồng/kg.
Giới phân tích đánh giá, khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tiếp tục lan rộng và tác động ngày càng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, qua đó đe doạ nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 9/8), giá dầu đã giảm mạnh, trượt về mức thấp nhất 6 tháng. Cùng với việc Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản được cho là đã sẵn sàng mở rộng các lệnh hạn chế sang nhiều khu vực hơn.
Thời điểm đầu giờ sáng 9/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 66,98 USD/thùng, giảm 1,12 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 69,55 USD/thùng, giảm 1,15 USD/thùng trong phiên.
Tuy nhiên, dữ liệu việc làm Mỹ được công bố, cùng tín hiệu kinh tế tích cực về hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã giúp tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu, giá dầu thô đã quay đầu, lấy lại đà tăng.
Tại Mỹ, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 7/2021, số việc làm phi nông nghiệp của nước này đã tăng tới 943.000, cao hơn nhiều so với dự báo 870.000. Tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ cũng giảm xuống còn 5,4%.
Tại thời điểm đầu giờ sáng ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 68,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 70,78 USD/thùng.
Tuy nhiên, khi các cảnh báo về dịch Covid-19 liên tục được phát đi và diễn biến tiêu cực của dịch bệnh được dự báo sẽ tác động mạnh đến triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ đầu toàn cầu, và nguồn cung dầu có nguy cơ tăng, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trong một tuyên bố mới đây đã cho rằng, mức tăng sản lượng dầu của các nhà sản xuất dầu chủ chốt hiện nay là không đủ khi các nền kinh tế bắt đầu dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. Đồng thời cũng cảnh báo, nếu không có hành động sớm, giá dầu cao hơn sẽ là rào cản, nguy cơ đe doạ đà phục hồi của các nền kinh tế.
Tổng thống Joe Biden trong phát biểu ngày 12/8 cũng đã kêu gọi các Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng để hạn chế giá xăng dầu.
Giới phân tích nhận định, phát biểu kêu gọi của ông Joe Biden sẽ yếu tố quan trọng tác động đến việc xem xét, quyết định chính sách sản lượng của OPEC+ vào cuộc họp thường kỳ tháng tới. Lời kêu gọi này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước thành viên OPEC+.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục có chiều hướng gia tăng khi thị trường ghi nhận dự báo tiêu cực về triển vọng tiêu thụ dầu thô.
Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày, lên mức trung bình 96,2 triệu thùng ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với các dự báo trước đó.
Báo cáo cũng chỉ ra, nhu cầu dầu toàn cầu đã “đột ngột đảo chiều” vào tháng trước và giảm nhẹ sau khi tăng 3,8 tiệu thùng/ngày vào tháng 7. Nguyên nhân của hiện tượng này là do dịch Covid-19 diễn biến lan mạnh làm gián đoạn hoạt động của nhiều nước châu Á.
Ở chiều hướng ngược lại, IEA cho biết sản lượng dầu khai thác toàn cầu lại đang có xu hướng tăng sau khi OPEC+ tăng sản lượng khai thác.
Sau cuộc họp chính sách tháng 7/2021, 23 nước thành viên OPEC+đã nhất trí tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng tháng từ tháng 8 - 12/2021. OPEC+ cũng nhấn mạnh sẽ bám sát diễn biến thị trường để đưa ra các quyết định về chính sách cắt giảm sản lượng, kéo dài thoả thuận đến cuối 2022 thay vì như dự tính vào tháng 4/2022.