Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 1/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 70 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 81,93 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 54 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 87,86 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 7 giảm 87 cent xuống mức 86,33 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/4, giá dầu giảm thêm gần 1% do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng, cùng kỳ vọng về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày trong tháng 2 từ mức 12,58 triệu thùng/ngày trong tháng 1, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2021. Trong khi đó, xuất khẩu dầu tháng 2 tăng lên 4,66 triệu thùng/ngày từ 4,05 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
Thêm vào đó, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 4,91 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, ngược so với dự đoán giảm khoảng 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Cũng theo API, tồn kho xăng của Mỹ giảm 1,483 triệu thùng và sản phẩm chưng cất giảm 2,187 triệu thùng.
Giá dầu giảm một phần bởi kỳ vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể đạt được sau nỗ lực mới do Ai Cập dẫn đầu nhằm khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/4 tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza.
Theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial Dennis Kissler, các nhà giao dịch tin rằng một số rủi ro địa chính trị đang được loại bỏ khỏi thị trường.
Các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào giao thông hàng hải phía Nam kênh đào Suez - một tuyến đường thương mại quan trọng - đã tạo cơ sở cho giá dầu leo dốc và có thể khiến phí bảo hiểm rủi ro tăng cao hơn nếu thị trường dự kiến nguồn cung dầu thô bị gián đoạn.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý sang cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Dự trữ Liên bang Mỹ (FOMC), bắt đầu ngày 30/4.
Theo Công cụ FedWatch của CME, gần như chắc chắn rằng FOMC sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp vào hôm nay.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG nhận xét, lãi suất tăng trong thời gian dài hơn có thể khiến đồng USD tăng thêm, đồng thời đe dọa triển vọng nhu cầu dầu.
Một số nhà đầu tư đang thận trọng đánh giá khả năng cao là Fed có thể tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới khi lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động vẫn vững vàng.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng của OPEC đã giảm trong tháng 4, phản ánh xuất khẩu thấp hơn từ Iran, Iraq và Nigeria trong bối cảnh một số thành viên đã đồng ý với OPEC+ về việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, giá dầu có thể duy trì mức giá hơn 80 USD/thùng trong năm nay.