Các chuyên gia cho biết, giá dầu đã kết thúc một tuần biến động với cả dầu Brent và WTI cùng lao dốc. Tính cả tuần, dầu Brent giảm 0,3% xuống mức 78,8 USD/thùng. Giảm mạnh hơn, dầu WTI trượt tới 1,7% xuống mức 73,55 USD/thùng.
Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng hơn 3% - một tín hiệu cho thấy giá dầu có thể đảo chiều của tuần trước. Yếu tố chính hỗ trợ giá dầu leo dốc trong phiên là căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, Libya cắt giảm sản lượng, lượng dầu tồn kho tại Cushing (Oklahoma) thấp.
Tuy nhiên, giá dầu đã không kéo dài đà tăng mà bất ngờ lao dốc khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần sau dữ liệu cho thấy trong tháng 8, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng. Tuy nhiên, người Mỹ đang trở nên lo lắng hơn về thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên gần mức cao nhất trong 3 năm (4,3%).
Đà giảm của giá dầu được duy trì ở phiên giao dịch thứ 3 với mức giảm khoảng 1%. Chính tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự kiến và lo ngại nhu cầu của Trung Quốc giảm đã đẩy giá dầu trượt dài. Cùng với đó, đà giảm trong phiên là rủi ro thấp đối với nguồn cung ở Trung Đông và Libya.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 23-8, tồn kho dầu của Mỹ giảm 846.000 thùng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng của các nhà phân tích.
Sau 2 phiên “đổ đèo”, giá dầu tìm lại được đà tăng hơn 1 USD ở phiên giao dịch thứ 4 bởi sự gia tăng lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ eo hẹp khi mà gián đoạn nguồn cung lớn từ Libya cùng với kế hoạch cắt giảm sản lượng của Iraq.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu lao dốc trong khoảng 1 - 3 USD, chịu tác động bởi kỳ vọng nguồn cung của OPEC+ sẽ tăng bắt đầu từ tháng 10 cùng khả năng lãi suất của Mỹ sẽ chỉ giảm 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm sau dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng mạnh mẽ. Phiên lao dốc này đã đẩy giá dầu Brent và WTI trượt xa khỏi mốc 80 USD/thùng.
Tính cả tháng 8, dầu Brent giảm 2,4%, dầu WTI giảm 3,6%.