Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 10/11: leo dốc trong biên độ hẹp

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Khả năng sản lượng của Mỹ tại Vịnh Mexico bị sụt giảm do bão và đồng USD suy yếu... khiến giá xăng dầu thế giới tuần qua leo dốc trong biên độ hẹp.

Các chuyên gia cho biết, giá dầu đã có một tuần dao động trong biên độ hẹp bất chấp những thông tin đầy biến động khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ và cơn bão Rafael đổ bộ vào Vịnh Mexico.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng gần 3%, được hỗ trợ bởi quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 12 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Theo đó, OPEC+ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng cuối cùng của năm.

Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên thứ 2 với mức tăng khoảng 50 cent. Nhân tố hỗ trợ giá dầu trong phiên là khả năng sản lượng của Mỹ tại Vịnh Mexico bị sụt giảm do bão và đồng USD suy yếu trong Ngày bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư cân nhắc giữa sự bật tăng của đồng USD với khả năng các kế hoạch chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu, giá dầu đã trượt đà, quay đầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch thứ 3.

Bất chấp tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng, giá dầu đã nhanh chóng lấy lại đà tăng tại phiên giao dịch thứ 4, xấp xỉ 1%, thu hẹp mức “mất mát” trong phiên giao dịch trước. Thị trường vẫn đang cân nhắc liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela hay không bởi việc thắt chặt này có thể làm giảm nguồn cung dầu trên thị trường. Trong khi đó, các công ty khoan dầu đã buộc phải cắt giảm sản lượng ở Vịnh Mexico, tăng cường chuẩn bị ứng phó với bão Rafael.

Một yếu tố hỗ trợ giá khác phải kể đến quyết định cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Bão Rafael thay đổi quỹ đạo và giảm cường độ giúp “hạ nhiệt” lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ. Thêm vào đó, các gói kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc không mấy ấn tượng đã đẩy giá dầu giảm hơn 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá dầu tuần này đã tăng hơn 1% với dầu Brent chốt tuần ở mức 73,87 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 70,35 USD/thùng.

Như vậy là giá dầu tuần này đã xác lập tuần tăng, lấy lại được khoảng 1/3 mức “mất mát” của tuần trước.