Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 10/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 78 cent, tương đương 1,1%, lên mức 71,84 USD/thùng. Còn WTI của Mỹ tăng 1,04 USD, tương đương 1,5%, lên mức 68,71 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (9/9), giá dầu tăng khoảng 1%, được hỗ trợ bởi lo ngại cơn bão dự kiến đổ bộ vào Louisiana, Mỹ ngày 11/9 sẽ làm gián đoạn sản xuất và lọc dầu dọc Bờ biển Vịnh của Mỹ.
Theo Reuters, các nhà sản xuất dầu khí dọc theo Bờ biển Vịnh của Mỹ đã bắt đầu sơ tán nhân viên và hạn chế hoạt động khoan dầu để chuẩn bị ứng phó với cơn bão nhiệt đới Francine khi cơn bão này di chuyển qua Vịnh Mexico.
Trung tâm Bão quốc gia Mỹ dự báo ngày 10/9, Francine sẽ mạnh lên thành bão trước khi đổ bộ vào bờ biển Louisiana. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, Bờ biển Vịnh chiếm khoảng 50% công suất lọc dầu của cả nước.
Nhà phân tích tại PVM John Evans nhận xét, giá dầu đang hồi nhẹ nhờ cảnh báo về bão có thể đe dọa Bờ biển Vịnh của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang hướng sự tập trung vào nguồn cầu và những gì OPEC+ có thể làm.
Tại Libya, một thành viên của OPEC, Tập đoàn Dầu khí quốc gia nước này đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với một số lô hàng dầu thô đang được bốc xếp ở cảng Es Sider, khi sản lượng dầu bị hạn chế do bất đồng chính trị về ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ.
Tuần trước, OPEC+ đã đồng ý hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày trong tháng 10 và 11 để ứng phó với tình hình giá dầu thô giảm mạnh.
Các nhà phân tích cho biết, sự lạc quan của nhà đầu tư về kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo lạm phát quan trọng trong tuần.
Theo chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING James Knightley, suy thoái kinh tế ở Mỹ không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần phải bắt đầu cắt giảm lãi suất một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để tránh điều đó.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã phát tín hiệu sẵn sàng thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách của Fed (ngày 17 và 18/9) với lưu ý rằng, thị trường lao động đang giảm và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chi phí đi vay không giảm. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Để kiềm chế lạm phát tăng vọt, Fed đã tăng lãi suất mạnh trong 2 năm 2022 và 2023.
Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là sự cắt giảm dự báo giá dầu Brent trong quý IV/2024 của Morgan Stanley từ 80 xuống còn 75 USD/thùng.
Các nhà kinh doanh hàng hóa toàn cầu Gunvor và Trafigura dự đoán giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 60 đến 70 USD/thùng do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và tình trạng dư cung.