Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 11/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI WTI của Mỹ giảm 1 USD, tương đương 1,26%, xuống mức 78,26 USD/thùng. Còn Brent giảm 1,09 USD, tương đương 1,3%, xuống mức 82,79 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,2%, trong khi dầu WTI ghi nhận mức tăng 0,2%.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 10-5), giá dầu giảm gần 1 USD sau bình luận của một số quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ cho thấy lãi suất cao có thể được duy trì trong khoảng thời gian dài hơn, điều này có thể cản trở nhu cầu từ những người tiêu dùng dầu thô lớn nhất thế giới.
Theo Reuters, ngày 10/5, Chủ tịch Fed khu vực Dallas Lorie Logan cho biết vẫn chưa rõ liệu chính sách tiền tệ có đủ chặt chẽ để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic cho biết lạm phát có thể chậm lại theo chính sách tiền tệ hiện tại, điều này cho phép Ngân hàng Trung ương bắt đầu giảm lãi suất, có lẽ chỉ 1/4 điểm phần trăm, vào những tháng cuối cùng của năm nay.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital, nhận xét bình luận từ 2 quan chức Fed dường như chắc chắn đã cản trở triển vọng cắt giảm lãi suất.
Đồng USD đã mạnh lên sau những bình luận của các quan chức Fed, khiến hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác. Lãi suất của Mỹ cao hơn trong thời gian dài hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu.
Tuần tới, dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lãi suất.
Hạn chế đà giảm của giá dầu là dữ liệu từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số về nguồn cung tương lai, giảm 3 giàn xuống 496 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2023.
Dữ liệu ngày 9/5 cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều dầu hơn trong tháng 4 so với kỳ năm ngoái cũng giúp giữ giá dầu không trượt sâu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu nhiều khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6.