Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 11/9: Dầu thô ghi nhận tuần giảm mạnh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước lo ngại suy thoái kinh tế cũng như dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, khiến giá dầu ghi nhận tuần giảm mạnh.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ngày 11/9 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 85,64 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 92,18 USD/thùng.

Ảnh minh hoa.
Ảnh minh hoa.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 5/9 với xu hướng tăng mạnh, khi thị trường lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng do G7 quyết định áp giá trần đối với dầu thô Nga. Quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới, và đây cũng là thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực.

Nguồn cung khí đốt ở châu Âu đang bị thắt chặt hơn và chịu áp lực lớn khi mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần, cũng là động lực hỗ trợ giá dầu khởi đầu tuần với xu hướng tăng mạnh.

Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố khi OPEC+ quyết định giảm nhẹ sản lượng lần đầu tiên sau 1 năm. Quyết định này được OPEC+ đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu khi mà những lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ ngày một lớn. Cụ thể, sau cuộc họp chính sách ngày 5/9, OPEC+ nhất trí trong tháng 10/2022 sẽ cắt giảm 100.000 thùng sản lượng theo ngày so với tháng 9.

Tổng kho xăng dầu của PVOIL. Ảnh minh họa
Tổng kho xăng dầu của PVOIL. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi loạt dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan được ghi nhận làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế, đã đẩy giá dầu thô quay đầu giảm mạnh.

Tại châu Âu, khu vực EuroZone được dự báo gần như chắc chắn rơi vào suy thoái. Áp lực suy thoái kinh tế tại khu vực EuroZone còn lớn hơn khi thông tin Dòng chảy phương bắc 1 vẫn dừng hoạt động, tiếp tục kéo dài thời gian bảo trì. Điều này đồng nghĩa với áp lực về việc đảm bảo nguồn cung khí đốt, năng lượng vào mùa Đông vốn đang khó khăn sẽ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Giá khí đốt cũng theo đó tăng cao.

Quyết định tăng mạnh lãi suất 75 điểm phần trăm của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) càng làm cho các áp lực tăng trưởng kinh tế gia tăng.

Trong khi tại Trung Quốc, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đang được áp dụng tại nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn cũng tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này.

Dữ liệu từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8/2022 đã giảm tới 9,4% so với một năm trước đó. Lượng xăng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm tới 36% so với cùng kỳ 2021.

Tại Mỹ, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 9 triệu thùng trong tuần trước, lớn hơn rất nhiều so với dự báo giảm 250.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó, và lớn hơn nhiều con số dự báo tăng 3,6 triệu thùng của Viện Dầu mỏ Mỹ (API).

Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang chịu áp lực giảm giá bởi làn sóng bán tháo mạnh của nhà đầu tư trước lo ngại suy thoái kinh tế.

Đà lao dốc của dầu thô chỉ bị chặt lại khi Nga đưa ra cảnh báo về việc có thể ngừng cấp dầu và khí đốt cho một số quốc gia châu Âu, và ủng hộ với việc áp trần giá dầu của Nga. Cùng với đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đã hạ dự báo mức tăng sản lượng dầu thô của nước này từ mức 610.000 thùng/này xuống còn 540.000 thùng ngày, đạt mức 11,79 triệu thùng/ngày trong năm 2022.