Giá xăng dầu hôm nay 12/3: Ghi nhận tuần giảm mạnh

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù tăng ở phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tuần này đã đảo chiều, giảm giá tới hơn 3 USD bởi ảnh hưởng của chỉ số kinh tế vĩ mô chi phối thị trường, nhất là Fed chuyển sang tăng lãi suất mạnh.

Bất chấp sự phục hồi ở phiên giao dịch cuối cùng, giá xăng dầu tuần này đã giảm tới 3 USD với giá dầu Brent dừng mức 82,78 USD/thùng, dầu WTI 76,68 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu tuần này đã đảo chiều, giảm giá tới hơn 3 USD, chịu ảnh hưởng bởi những chỉ số kinh tế vĩ mô chi phối thị trường khi các nhà giao dịch chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng nhu cầu của Trung Quốc.

Giá dầu đã leo dốc ở phiên giao dịch đầu tiên và kết thúc tuần. Giá dầu tăng nhẹ khi các giám đốc điều hành dầu hàng đầu thế giới thảo luận về tình trạng thắt chặt nguồn cung và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng lên tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston, bang Texas, Mỹ.

Sau đó, giá dầu đã trượt dốc không phanh 3 phiên liên tiếp bởi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang tăng lãi suất mạnh mẽ hơn sau bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sự mạnh lên của đồng USD và dữ liệu yếu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.

Chủ tịch Powell cho biết, Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây. Phát biểu của tại Quốc hội ông Powell đã đẩy hầu hết các loại hàng hóa và thị trường tài chính lao dốc.

Bình luận của ông Powell cũng đẩy đồng USD tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong ba tháng và gây áp lực lên giá dầu. Giá dầu đã giảm bất chấp dự trữ xăng, dầu của Mỹ trong tuần trước giảm.

Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa
Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần trước, tuần giảm đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tiếp. Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 1,1 triệu thùng. Điều này làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu.

Lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu cùng nhu cầu giảm bởi các ngân hàng trung ương lớn đua nhau tăng lãi suất tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, sự lao dốc này của giá dầu chỉ dừng lại ở phiên thứ 3. Giá dầu đã lấy lại được đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi.

Trong tháng 2, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 311.000 việc làm, cao hơn so với kỳ vọng 205.000 việc làm. Điều này có khả năng đảm bảo rằng Fed sẽ tăng lãi suất trong thời gian dài hơn. Nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 21 và 22/3.

Giá xăng dầu đã liên tục biến động bởi nỗi lo suy thoái kinh tế của Mỹ và sự phục hồi của Trung Quốc. Hầu hết các ngân hàng lớn đều kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, trong đó khách du lịch quốc tế Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt.

Tuy nhiên, khoảng thời gian từ giờ đến nửa cuối năm vẫn còn khá dài, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng-giảm trong các phiên giao dịch khi nguồn cung và cầu vẫn chưa được định hình rõ ràng.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ việc cắt giảm xuất khẩu từ Nga. Moscow đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng Ba.