Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 12/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 giảm 22 cent, xuống mức 87,29 USD/thùng.
Còn dầu Brent giao tháng 11/2023 Brent giảm 1 cent, tương đương 0,01%, xuống mức 90,64 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/9, giá dầu Brent gần như đi ngang, duy trì mức giá hơn 90 USD/thùng đạt được vào tuần trước - mức cao trong 10 tháng sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô gây sốc thị trường của Saudi Arabia và Nga.
Tuần trước, Saudi Arabia và Nga đã tuyên bố sẽ gia hạn việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Việc cắt giảm nguồn cung đã làm lu mờ mối lo ngại về hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm tuần thứ 5 liên tiếp nhưng ở mức giảm “khiêm tốn” hơn, khoảng 2 triệu thùng. Gián đoạn nguồn cung cũng có thể xảy ra do các cơn bão và lũ lụt mạnh ở miền đông Libya, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và buộc 4 cảng xuất khẩu dầu lớn - Ras Lanuf, Zueitina, Brega và Es Sidra - phải đóng cửa từ thứ Bảy tuần trước.
Trong khi đó, châu Âu dự kiến sẽ có một mùa bảo trì nhẹ các nhà máy lọc dầu trong mùa thu này do các nhà máy lọc dầu mong muốn thu được lợi nhuận từ tỷ suất lợi nhuận cao, điều này có thể hỗ trợ nhu cầu dầu thô. Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, công suất nhà máy lọc dầu ngoại tuyến ở châu Âu được chốt ở khoảng 800.000 thùng/ngày, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ được công bố trong tuần sẽ hé lộ liệu các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ có tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất tích cực hay không.
Theo kế hoạch, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai (13/9) và có thể đưa ra chỉ dẫn về việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất nữa hay không. Naeem Aslam của Zaye Capital Markets cho biết dữ liệu lạm phát có thể ảnh hưởng đến mọi thứ từ chứng khoán đến ngoại hối, thu nhập cố định và giá cả hàng hóa.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng dự kiến sẽ công bố quyết định lãi suất trong tuần này. Ngày 11/9, Ủy ban châu Âu dự báo khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến trước đó trong năm nay và năm sau.
Trọng tâm của tuần này cũng sẽ là các báo cáo hằng tháng từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào cuối tuần. IEA tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 1 triệu thùng/ngày, với lý do điều kiện kinh tế vĩ mô mờ nhạt. Trong khi đó, báo cáo tháng 8 của OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu 2,25 triệu thùng/ngày.