Theo đó, ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã trượt dốc khoảng 1%, chịu tác động bởi kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza sẽ sớm đạt được trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn đang được xúc tiến.
Ảnh hưởng khiêm tốn của bão Beryl đối với nguồn cung tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc hơn 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Theo Reuters, bão Beryl suy yếu thành bão nhiệt đới nên hoạt động lọc dầu của Mỹ đã sớm được khôi phục. Việc này đồng nghĩa với nguồn cung vẫn được bảo đảm.
Một lần nữa, tồn kho xăng, dầu của Mỹ giảm là phao cứu sinh đối với dầu. Trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu quay đầu tăng nhẹ sau báo cáo của Viện Dầu khí (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo API, trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, tồn kho dầu của Mỹ giảm 1,9 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 3 triệu thùng. Còn theo EIA, tồn kho dầu giảm 3,4 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 2 triệu thùng.
Đà tăng của giá dầu được duy trì sang phiên giao dịch thứ 4 nhưng mức tăng tối đa là 52 cent do gia tăng kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sau dữ liệu cho thấy lạm phát bất ngờ chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 6 làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Giá dầu đã không thể duy trì đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Sự cân nhắc của các nhà đầu tư trước dữ liệu tâm lý tiêu dùng giảm ở Mỹ so với kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong quý III năm nay đã đẩy giá dầu trượt nhẹ chưa đến 50 cent. Sự lao dốc này càng củng cố đà giảm của giá dầu trong tuần.
Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent giảm hơn 1,7% và dừng ở mức 85,03 USD/thùng. Giảm khiêm tốn hơn, chỉ 1,1%, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 82,21 USD/thùng.