Các chuyên gia cho biết, đồng USD mạnh ảnh hưởng đến nhu cầu dầu toàn cầu đã đẩy giá dầu trượt dốc khoảng 1% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần 21/6. Giá giảm bất chấp dấu hiệu nhu cầu dầu của Mỹ cải thiện và tồn kho nhiên liệu giảm.
Giá dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 85,24 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 56 cent, tương đương 0,7%, xuống mức 80,73 USD/thùng.
Mặc dù giảm ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhưng tính cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 3%.
Theo Reuters, đồng USD đã tăng lên mức 105,81 - mức cao nhất trong 8 tuần so với đồng yên nhờ cách tiếp cận kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất, trái ngược với đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 2 liên tiếp của Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và gợi ý từ Ngân hàng Anh về việc giảm lãi suất vào tháng 8.
Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong 2 năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu về dầu.
Đồng USD mạnh hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu về dầu bằng cách làm cho các mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng trong bối cảnh việc làm phục hồi, nhưng áp lực giá giảm đáng kể, mang lại hy vọng rằng tình trạng lạm phát chậm lại gần đây có thể sẽ được duy trì. Tuy nhiên, doanh số bán nhà hiện có ở Mỹ đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 5 do giá nhà cao kỷ lục và sự gia tăng trở lại của lãi suất thế chấp đã loại bỏ những người mua tiềm năng.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ gần đây cho thấy trong tuần trước, tổng sản phẩm được cung cấp, đại diện cho nhu cầu dầu, đã tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 21,1 triệu thùng/ngày.
Bất chấp giá dầu thô giảm, giá xăng kỳ hạn tại Mỹ vẫn tăng ngày thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong 1 tháng do nhu cầu tăng trong mùa lái xe mùa hè và tồn kho giảm.
Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, tăng trưởng kinh doanh chậm lại đáng kể trong tháng này do nhu cầu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, Bắc Kinh cảnh báo rằng xích mích leo thang với Liên minh châu Âu về mức thuế nặng áp lên xe điện xuất khẩu của Trung Quốc có thể gây ra cuộc chiến thương mại.