Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu lập đỉnh mới, ghi nhận tuần thứ 10 liên tiếp tăng giá

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hàng loạt dữ liệu, nhất là nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu tiêu thụ tăng cao đẩy giá xăng dầu hôm nay tăng. Đây cũng là tuần giao dịch thứ 10 liên tiếp xăng dầu tăng giá.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay 24/10 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 83,98 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,73 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia phân tích, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 18/10 với xu hướng tăng mạnh, bất chấp việc đã đạt mức cao nhất 8 năm trở lại đây. Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 83,14 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,31 USD/thùng.
Giá dầu ngày 18/10 tăng mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí diễn ra nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… đẩy giá nhiên liệu như giá khí, giá than tăng cao. Điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang sử dụng dầu.
Một chút lo ngại sau thông tin tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt thấp khiến giá dầu ngày 19/10 trượt giảm mạnh, trong đó dầu WTI giao tháng 11/2021 trượt về mức 82,44 USD/thùng, còn dầu Brent giao tháng 12/2021 về mức 84,18 USD/thùng.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/10, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2021 chỉ đạt 4,9%, thấp hơn so với kỳ vọng, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7,9% của quý II/2021 và là mức thấp nhất trong vòng 1 năm.
Người lao động PV GAS Cà Mau đang kiểm tra thông số kỹ thuật (ảnh minh họa).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng phát đi cảnh báo về điều này khi nhấn mạnh: "Giá năng lượng cao hơn cũng đang gia tăng áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và sự phục hồi kinh tế chậm lại".
Tuy nhiên, diễn biến tiêu cực của giá dầu nhanh chóng bị đẩy lùi khi các dữ liệu về nguồn cung dầu thô vẫn không có sự cải thiện đáng kể, trong khi các nhu cầu tiêu thụ vẫn có chiều hướng gia tăng.
Thông tin được Bloomberg phát đi ngày 19/10, sản lượng của OPEC+ trong tháng 9 hụt hơn 15% so với kế hoạch. Sự thiếu hụt này trong tháng 8 được ghi nhận là 15% và trong tháng 7 là 9%.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho là một số nước thành viên của OPEC+ là Angola, Nigeria và Azerbaijanđã không thể thực hiện nâng mưc sản lượng đã thoả thuận do thiếu đầu tư, thăm dò…
Thậm chí, trong diễn biến mới nhất, số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes (Mỹ) còn cho thấy sản lượng khai thác của Mỹ có khả năng giảm khi số lượng giàn khai thác của nước này đã giảm 2 giàn, xuống còn 443 giàn và là tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần qua.
Tại Mỹ, các số liệu thống kê cho thấy, bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, tình trạng thiếu hụt năng lượng, lạm phát tăng cao…, 85% doanh nghiệp Mỹ có kết quả kinh doanh quý III/2021 tốt hơn dự kiến.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 21/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 83,80 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,99 USD/thùng.
Đà tặng của giá dầu tiếp tục được duy trì trong các ngày tiếp theo. Nguyên nhân được Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar ngày 20/10 đã đưa dự báo giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng vào quý I và quý II/2022 khi các kho dự trữ dầu đang ở mức thấp.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy) Louise Dickson cũng nhận định tình trạng thắt chặt nguồn cung hiện nay sẽ kéo dài trong phần lớn năm 2022 và kéo theo đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cũng như giá dầu tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 431.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 15/10, trái ngược hoàn toàn so với dự đoán tăng 1,9 triệu thùng trong một cuộc thăm dò của Reuters thực hiện trước đó.
Theo đó, các kho dự trữ dầu thô lớn nhất của Mỹ tại Cushung, Oklahoma đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 có thể khiến tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường kéo dài.
EIA đồng thời cũng đưa dự báo dữ trữ xăng của Mỹ giảm mạnh, dự kiến ở mức 5,4 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 217,7 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019.
Đồng USD suy yếu và việc Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa khẳng định Fed đang đi đúng hướng trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và sẽ cắt giảm chương trình thu mua tài sản vào tháng tới cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô tăng.