Chiều 10/11, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng từ 15 giờ cùng ngày. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 559 đồng/lít, RON 95 tăng 658 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa giữ ổn định so với giá bán lẻ hiện hành, riêng dầu mazut giảm 389 đồng/kg.
Đợt điều chỉnh giá xăng, dầu lần này, liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với dầu hỏa ở mức 150 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu diesel. Đồng thời chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 8 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 44 đồng/lít, dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Qũy BOG, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 23.669 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 24.996 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 18.716 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 16.821 đồng/kg.
Xăng RON 95 chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít từ 15 giờ chiều 10/11. Ảnh minh họa |
Theo liên Bộ, tình hình dịch bệnh trong nước đang có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN đang tiếp tục được mở trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 758 đồng/lít - 1.359 đồng/lít so với giá hiện hành.
Đáng chú ý, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại một số khu vực và việc Mỹ phê duyệt gói đầu tư hạ tầng hơn 1.000 tỷ USD, Ả Rập Xê Út tăng lượng bán dầu thô cho khu vực châu Á… đã gây áp lực làm tăng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 10/11 cụ thể như sau: 99,032 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 1,665 USD/thùng, tương đương tăng 1,71% so với kỳ trước); 102,497 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,112 USD/thùng, tương đương tăng 2,10% so với kỳ trước); 94,458 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 0,743 USD/thùng, tương đương giảm 0,78% so với kỳ trước); 93,305 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,256 USD/thùng, tương đương giảm 1,33% so với kỳ trước); 465,717 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 31,380 USD/tấn, tương đương giảm 6,31% so với kỳ trước).