Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - doanh nghiệp có nhiều năm nhập khẩu ôtô cho rằng, trước khi xuất xưởng các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều đã thực hiện các khâu kiểm tra chặt chẽ về kỹ thuật, động cơ, khí thải... theo quy chuẩn quốc tế nhưng khi về Việt Nam xe vẫn phải thử nghiệm là không cần thiết.
Thời gian để có được giấy chứng nhận này có thể kéo dài khoảng hai tháng do phải chạy thử 3.000 km kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật với chi phí khoảng 100 triệu cho mỗi xe, những xe còn lại phải nằm chờ tại kho hoặc ngoài cảng chờ đợi.
Tính từ khi đặt xe đến khi xe về cảng mất từ hai đến ba tháng cộng thêm hai tháng thử nghiệm xe không chỉ làm chậm tiến độ giao xe cho khách hàng mà giá xe mỗi xe còn tăng đến cả trăm triệu đồng, đặc biệt nếu mỗi lô nhập có nhiều chủng loại xe khác nhau. Như vậy, giá xe chỉ có tăng chứ không có giảm.
Liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô được nhập khẩu về Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng, không phải nước nào cũng có giấy đăng kiểm cho xe xuất khẩu mà họ chỉ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn cho các xe tiêu thụ trong nước.
Một số nước có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhưng lại có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.
Về các kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô, bảo hành, bảo dưỡng nêu trong Nghị định, ông Nguyễn Giỏi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huệ Đăng - đơn vị kinh doanh xe cho hay, đây là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu.
Đây cũng nội dung từng gây nhiều tranh cãi giữa doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan chức năng ở Thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành đã "khai tử."
Bên cạnh đó, để kinh doanh xe ôtô nhập khẩu cả mới lẫn xe cũ doanh nghiệp phải có “văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ôtô nhập khẩu tại Việt Nam” thực sự còn khó hơn hơn giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân xe được quy định trong Thông tư 20 trước đây.
Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định đưa ra đều phải có cam kết với nhà sản xuất xe là điều kiện bất khả thi đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân phối nhỏ lẻ và điều này chỉ có liên doanh đại diện ở Việt Nam mới có thể thực hiện được.
Như vậy, cánh cửa nhập khẩu ôtô đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn khép lại, doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đứng ngoài cuộc chơi và chỉ còn các liên doanh là “một mình một chợ” tại thị trường Việt.
Về cơ hội giảm giá xe theo thuế suất thuế nhập khẩu từ năm 2018, giới chuyên doanh cho rằng, không phải tất cả các loại xe đều được hưởng mức thuế ưu đãi này. Bởi khu vực ASEAN có khoảng 20 chủng loại xe, nhưng những mẫu xe đạt được tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% được hưởng thuế suất ưu đãi không phải là nhiều.
Ngoài ra, bên cạnh thuế nhập khẩu và các loại thuế phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đường bộ, bảo hiểm hiện nay và trước áp lực của cơ sở hạ tầng giao thông... để chiếc xe lưu hành được, xét về tổng thể giá của xe sẽ tăng hơn chứ không giảm như người tiêu dùng kỳ vọng.
Có thể dịp này là dịp tốt để người tiêu dùng mua xe bởi những mẫu xe phổ biến trên thị trường các doanh nghiệp đã và đang giảm giá đáng kể, gần bằng so với mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, một số mẫu xe “ăn” khách giá có thể bị đẩy lên cao vào mùa mua sắm cuối năm.