Tại cuộc Tọa đàm "Nhà ở cho mọi người" vừa được tổ chức, GS. TSKH Đặng Hùng Võ bức xúc cho rằng: “Giá nhà ở cao chót vót là vì nó bị "chất" lên hàng trăm thứ phí: phí quản lý, phí bôi trơn… rất nhiều khoản chi lãng phí, để rồi hứng chịu cuối cùng là người mua, còn chủ đầu tư thì chẳng mất mát gì”.
Cũng theo ông Võ, lý do khiến giá nhà bị đẩy cao còn vì DN chuộng xây nhà to. Quy định cho phép nhà có diện tích từ 30 - 70m2, DN lại làm tối đa cho phép, mỗi nhà lên đến 58 - 70m2. Đồng thời xây dựng cao tầng khiến cho chi phí tăng, thậm chí khi vào ở, người dân phải chịu mức phí dịch vụ rất cao. Vậy, để người thu nhập thấp có thể có nhà để ở cần xác định cụ thể về mô hình phát triển nhà ở chung cư cao tầng hay thấp tầng. Nhiều chuyên gia nhận định, với các nước phát triển như Việt Nam, Trung Quốc… lấy mô hình dưới 6 tầng là hợp lý, vì liên quan đến hệ thống kỹ thuật ở mức đơn giản (thang máy, hệ thống kỹ thuật) tự kiểm soát được, không phải sử dụng hệ thống kỹ thuật đặc biệt, và quỹ đất sử dụng phù hợp… còn chung cư cao tầng, vấn đề này phức tạp hơn, giá dịch vụ cũng cao hơn.
Một vấn đề cũng đang gây bức xúc hiện nay là sổ đỏ cho các căn hộ chung cư mini. Về mặt pháp luật, chúng ta đã thừa nhận và cho phép xây chung cư mini, nhưng các quận huyện lại rất lúng túng trong việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ này. Ông Võ nêu quan điểm nên khuyến khích và tạo điều kiện để DN xây nhà ở giá rẻ, những căn hộ diện tích 25 - 30m2 hiện được rất nhiều người ưa chuộng và có nhu cầu thực. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Đây quả thực là một con số không hề nhỏ và là một thách thức đặt ra cho các nhà quản lý.
“Ế” hàng, giá nhà phải hạ
Có một nghịch lý, trong khi rất nhiều người nghèo, người có mức thu nhập trung bình thấp không có nhà ở, các chủ đầu tư lại “kêu” không bán được hàng, nhiều dự án giảm từ 30 triệu đồng/m2 xuống còn 22 triệu đồng/m2 mà vẫn… ế. “Không thể khẳng định đâu là “đáy” của thị trường song do áp lực thiếu vốn năm 2012 sẽ diễn ra quá trình tự tái cấu trúc, thị trường sẽ điều chỉnh từ khu vực giá nhà cao xuống khu vực giá thấp” - ông Võ dự báo.
Thêm một cơ sở để khẳng định giá nhà các năm sau sẽ điều chỉnh giảm là ngày càng có nhiều DN quan tâm áp dụng công nghệ xây dựng mới, tiết kiệm chi phí, nhằm hạ giá thành các căn hộ. Khi sản phẩm mới có giá thấp thì tất yếu các sản phẩm cũ cũng phải hạ mới có người mua. Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 với nhiều ưu đãi chính sách để giải quyết nhà ở cho 8 đối tượng trong chỉ tiêu nhà ở xã hội sẽ phần nào giúp thị trường phát triển có định hướng hơn.
Tôi không cho rằng có lợi ích nhóm trong việc hình thành chính sách đất đai và nhà ở trong những năm qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do tư duy đi từ bao cấp, nhận thức lệch lạc. GS. TSKH Đặng Hùng Võ Chính tư duy nhiệm kỳ, dấu ấn thời kỳ, và năng lực quản lý hạn chế khiến cho vấn đề nhà ở qua nhiều năm vẫn không được giải quyết thấu đáo. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm Hội QHPT đô thị Việt Nam |