Để làm rõ hơn những nội dung của dự án này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT ngay sau khi FPT ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Ứng dụng CNTT và Truyền thông với UBND TP Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư & phát triển” vừa diễn ra.Đặc thù riêngLà một trong những TP có mật độ giao thông phức tạp nhất cả nước, để giải bài toán giao thông cho Hà Nội, thì trước tiên phải hiểu đặc thù giao thông của Thủ đô. Theo ông, đặc thù đó là gì?Đó là xe máy, là các phương tiện giao thông trộn làn, xe máy đi chung đường với ô tô... Lời giải cho bài toán giao thông của Hà Nội chúng ta không thể tự sáng tác mà dựa trên nền tảng công nghệ của thế giới để có sự điểu chỉnh phù hợp, đồng thời nghiên cứu hành vi điều khiển xe máy của người Việt, từ đó mới xây dựng phương án tối ưu cho Hà Nội.Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 TP lớn nhất cả nước, có số lượng phương tiện lên đến hàng triệu chiếc, vì thế độ phức tạp lớn hơn nhiều. Thực tế, đã có nhiều nhà thầu đến tiếp cận với 2 TP này, song khi quan sát hành vi của người tham gia giao thông Việt Nam, họ đều “gãi đầu gãi tai”, để nghiên cứu ra mô hình dành riêng cho Việt Nam đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc nên họ nản, vì thế sẽ chỉ có người Việt mới làm được mô hình giao thông thông minh cho người Việt Nam. Và chúng tôi tự tin có thể làm được điều này.Ông có thể nói rõ việc triển khai hệ thống giao thông thông minh sẽ giải quyết được những vấn đề nào của Hà Nội?- Thứ nhất, là chống được ùn tắc. Thứ hai, là giảm thiểu tai nạn giao thông. Thứ ba, là khi có sự cố, hệ thống sẽ giúp cơ quan quản lý phản ứng nhanh và mang lại hiệu quả nhất.Tôi lấy ví dụ, khi tắc đường, hệ thống giao thông thông minh sẽ chỉ cho cơ quan quản lý biết được cần điều tiết công an giao thông ở vị trí nào gần nhất đến giải quyết; khi xảy ra tai nạn thì điều xe cấp cứu ở đâu tới nhanh nhất. Và thay vì phải điều người ra vẽ và đo đạc lập biên bản tại hiện trường, có thể sử dụng camera chụp hình lại, vì thế khi xảy ra tai nạn có thể giải phóng được hiện trường một cách nhanh nhất, còn như hiện giờ mất 30 – 45 phút nên khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT TP vừa yêu cầu, khi xây dựng hệ thống giao thông thông minh, các cơ quan, đơn vị cần học hỏi thêm mô hình các nước. Vậy FPT đã có sự tiếp thu và điều chỉnh như thế nào để hoàn thiện hệ thống?- Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, trung tâm điều hành giao thông cần được tiếp thu học hỏi cách làm của các nước phát triển. Hà Nội muốn học cách làm của các TP ở châu Âu hoặc Úc, Trung Quốc, sau đó lựa chọn mô hình phù hợp với mình.Ngay sau khi ký Thỏa thuận hợp tác với UBND TP Hà Nội, chúng tôi sẽ lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan như Sở GTVT, Công an TP, Sở TT&TT, Sở Y tế… Tổ công tác liên ngành sẽ đi tham quan học hỏi các nước, chọn ra mô hình phù hợp với Việt Nam.Quyết tâm cao từ người đứng đầu thành phốFPT có cần thêm sự hỗ trợ cụ thể nào từ UBND TP Hà Nội, các sở ngành liên quan?- Hiện trạng hạ tầng giao thông của TP Hà Nội là thông tin đầu vào quan trọng để đưa vào lộ trình triển khai. Ở đây chúng tôi không phải xây nhà mới, giải pháp mới mà xây dựng dựa trên hạ tầng thiết bị đã được đầu tư trong quá khứ, vì vậy mà những hỗ trợ của các Sở TT&TT, Sở GTVT, Công an TP… sẽ giúp FPT hiểu được hiện trạng giao thông của TP một cách tốt hơn, cũng như đánh giá các giải pháp của FPT đưa ra, dự báo các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai để giúp FPT điều chỉnh ngay từ giai đoạn làm kế hoạch, qua đó có thể nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện. Hiện tại, các cơ quan đang hỗ trợ rất tích cực cho FPT, Hà Nội đã lập Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT với sự tham gia của đầy đủ các sở, ban ngành. FPT sẽ báo cáo liên tục với TP về tiến độ các dự án.Theo cam kết hệ thống sẽ triển khai và hoàn thiện trong giai đoạn từ 2017 – 2020, nhưng trung bình 6 tháng/lần sẽ có một số dự án đi vào hoạt động, nghĩa là chúng tôi sẽ vừa làm, vừa sửa, vừa nâng cấp. Hy vọng rằng, đến 2020 các ứng dụng của FPT sẽ đi vào hoạt động một cách hoàn thiện.Sau lần báo cáo mới đây nhất, đã có một số đề án bắt đầu chạy như Bản đồ số giao thông. Bản đồ số do FPT triển khai sẽ cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông (như bến xe, biển báo…), tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn TP Hà Nội… Đồng thời người dân cũng được trực tiếp phản ánh hoặc nhận thông tin về tình trạng giao thông qua cộng cụ tương tác tự động chatbot. Là nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về nỗ lực “đồng hành với DN” của TP Hà Nội thời gian qua?- Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT TP Hà Nội hiện nay là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung là người rất tâm huyết với CNTT, luôn trực tiếp chủ trì các cuộc họp về ứng dụng CNTT. Đây là sự khác biệt lớn bởi CNTT muốn thành công phải có sự cam kết tối đa của người đứng đầu, đây không chỉ là công nghệ mà còn là cải cách hành chính, là thay đổi quy trình tác nghiệp, là tổ chức vận hành CNTT hiện đại, và chỉ có người đứng đầu mới giải quyết các bài toán đó. Còn công nghệ cuối cùng chỉ là công cụ hỗ trợ giúp cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn.Không phải trong thời gian ngắn mọi thứ sẽ được giải quyết hết, nhưng tôi tin với sự vào cuộc trực tiếp quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì sắp tới, mọi chuyện sẽ trôi chảy hơn.Xin cảm ơn ông!
Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội được Tập đoàn FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính theo Thông báo 484/TB-UBND ngày 29/5/2017. Cụ thể gồm: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu. |