Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải đáp băn khoăn trước mùa tuyển sinh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Tuổi trẻ, các trường đại học (ĐH), Sở GD&ĐT Hà Nội… tổ chức tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 10/3 đã giải đáp cho nhiều sĩ tử những băn khoăn trước mùa tuyển sinh 2013.

Chọn ngành yêu thích

Ngày hội có gần 120 gian tư vấn của trên 80 trường ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tham gia. Với nhiều hình thức, các hoạt động của ngày hội đã cung cấp thông tin về ngành đào tạo, hình thức tuyển sinh, việc làm sau khi ra trường, điểm chuẩn đầu vào cho đối tượng học sinh THPT.

Nếu như các năm trước, nhiều câu hỏi được đặt ra cho khối ngành kinh tế thì năm nay, khối Y, Dược, Báo chí lại nhận được nhiều sự quan tâm. TS Mai Đức Ngọc, Trưởng phòng đào tạo, Học viện Báo chí tuyên truyền chia sẻ: Báo chí đa phương tiện là ngành mới, xuất phát từ xu thế chung của sự phát triển báo chí. Trước đây, Học viện có hướng đào tạo chuyên sâu như báo in, báo truyền hình, báo phát thanh... nhưng hiện nay với xu hướng báo chí hội tụ, nhiều cơ quan báo chí đồng thời tổ chức sản xuất nhiều loại hình báo chí, do vậy rất cần đào tạo các ngành này để các em có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực hơn. Với những câu hỏi: "Chọn ngành mình đam mê hay ngành thời thượng?", PGS TS Nguyễn Việt Hà, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên các thí sinh: "Hãy can đảm chọn những ngành mình đam mê và có khả năng thi đỗ, đừng lo ngại ngành đó hợp với nam hay với nữ. Cơ hội chia đều cho tất cả các thí sinh có niềm say mê và chăm chỉ học tập".

Giải đáp băn khoăn trước mùa tuyển sinh - Ảnh 1

Nhiều học sinh nghe tư vấn trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại trường ĐH Bách Khoa. Ảnh: Trung Đức

Một trong những điểm đáng chú ý tại ngày hội là phần trắc nghiệm kiến thức và trắc nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực và sở thích. Học sinh có thể thao tác dễ dàng với hệ thống 40 máy tính kết nối internet được BTC bố trí sẵn để khám phá năng lực bản thân và chọn ngành nghề phù hợp với sở thích. Bên cạnh đó, điểm nhấn của ngày hội là có 4 khu tư vấn chuyên sâu để giải đáp và tư vấn các thắc mắc về từng nhóm ngành, từng trường…

Học nghề gì, chọn trường nào?

Những câu hỏi như: Làm nghề gì, chọn nghề gì, nếu không đỗ ĐH thì sẽ làm gì… có rất nhiều em nêu lên và đã được giải đáp kịp thời. Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Amsterdam cho biết, đã chọn thi khối ngành kinh tế để học: "Mặc dù em biết mấy năm nay khối ngành Tài chính - ngân hàng dư thừa nguồn nhân lực, tuy nhiên, theo em nghĩ kinh tế chỉ khủng hoảng 1 - 2 năm. Em hy vọng, nếu đỗ ĐH và sau khi học xong ĐH (4 - 5 năm) kinh tế sẽ phục hồi, và phát triển mạnh, khi ấy rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao". Chị Nguyễn Thị Hảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Gia đình định hướng cho cháu thi vào ĐH Y, nhưng con không thích, mà vẫn thi khối kinh tế. Gia đình có phân tích, định hướng cho con, tuy nhiên cháu vẫn xin được tự mình quyết định chọn ngành học. Gia đình tôn trọng quyết định của cháu".

TS tâm lý học Phạm Mạnh Hà đã giải đáp băn khoăn bằng những câu chuyện hết sức giản dị: "Nếu em đang đi trên đường mà vấp ngã thì sẽ làm gì? Mình sẽ đứng dậy và đi tiếp phải không? Trong cuộc đời không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được mọi điều mình muốn. Nếu trượt ĐH thì làm gì, câu trả lời như em vừa nói: Đứng lên và đi tiếp. Hoặc em tiếp tục một năm ôn luyện. Em có cơ hội vì có thêm một năm nữa để chuẩn bị điều kiện, kỹ năng để vào trường mình mong muốn. Hoặc em có thể có lựa chọn khác. Xã hội đa dạng nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các trường nghề trung cấp, cao đẳng. Khi đó em có được sự nghiệp, nó giúp em thành công như em học ĐH".

Hàng ngàn thí sinh và các bậc phụ huynh ở các tỉnh, thành, nhất là các huyện của Hà Nội đã hồ hởi tham gia ngày hội trước mùa tuyển sinh này. Mối quan tâm thi để đỗ không ít, nhưng mối quan tâm về việc làm sau khi tốt nghiệp lại cần nhiều lời giải đáp, định hướng. Song, đúng như TS Phạm Mạnh Hà nói: “Xã hội đa dạng nhiều ngành nghề khác nhau, học cao đẳng hay trung cấp vẫn thành đạt không kém gì học ĐH. Quan trọng nhất là các em phải biết chọn đúng ngành, nghề phù hợp với khả năng nổi trội của bản thân”.