Giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất đầu tư 729km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay, 10/12, tiếp tục Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên hành lang vận tải Bắc – Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã được đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư.
 Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo tai phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Với vai trò là trục huyết mạch của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, cần sớm hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Về phạm vi đầu tư, giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư 729km trên các đoạn Bãi Vọt – Cam Lộ - Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.
Đối với tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%). Đối với phần vốn giai đoạn 2021 – 2025, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội dự kiến bố trí 47.169 tỷ đồng cho dự án, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng), kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thẩm tra sơ bộ Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Về quy mô đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh (đối với quy mô 4 làn xe mặt đường là 24,75m, sẽ bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp và đối với quy mô 6 làn xe mặt đường là 32,25m, sẽ bao gồm 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp). Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 – 120km/h cho tất cả các đoạn của dự án. Việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp). Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, hiện nay đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 2 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100km/h trở lên.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại Phiên họp
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án nhưng với quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Do vậy, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m, đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thống nhất trình Quốc hội tại phiên họp bất thường cuối năm
Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 tại Kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội. 
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu, thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m so với quy mô 4 làn xe 17m, để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ, Cà Mau, nơi không có sẵn nguyên vật liệu tại chỗ. Tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần, phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái. Đồng thời bổ sung, làm rõ  phương án lựa chọn công nghệ của dự án.
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát, điều hoàn nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 2 năm 2022 – 2023. Đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024 – 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, diện tích đất bị thu hồi cho Dự án rất lớn, một số hộ bị ảnh hưởng nhiều, do đó, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, bảo đảm đời sống cho người dân bị thu hồi đất, không để phát sinh vấn đề phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chú ý đến vấn đề phòng chống thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực dự án, như vấn đề sản xuất, vấn đề dân sinh…
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần