Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giai đoạn nước rút

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, các trường đang bước vào giai đoạn nước rút ôn tập kiến thức cho học sinh (HS). Cùng với đó, hoạt động tư vấn mùa thi cũng được tổ chức khá chu đáo với việc hướng dẫn học sinh quy chế dự thi, cách làm hồ sơ, chọn trường…

Không cắt xén chương trình

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố văn bản hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ 2 - 4/6, thời gian làm bài môn trắc nghiệm 60 phút, môn tự luận Toán và Ngữ văn 150 phút.

Giai đoạn nước rút - Ảnh 1

Tổ chức tư vấn mùa thi 2013 cho học sinh đang được các trường thực hiện gấp rút. Ảnh: Nguyệt Ánh

Thời điểm này, các trường đều ráo riết tổ chức ôn tập cho HS. Tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa), bà Hà Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo kế hoạch đặt ra, các tổ chuyên môn nhà trường sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2012 - 2013 và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. "Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định, thực hiện đủ chương trình đối với các môn không thi tốt nghiệp lớp 12 theo khung kế hoạch năm học. Các thầy cô đã hướng dẫn HS làm theo đề cương chi tiết để ôn tập. Bên cạnh đó, các dạng bài tập và đề thi được giáo viên ôn luyện kỹ lưỡng để không bỡ ngỡ trước kỳ thi" -  bà Lan chia sẻ.

Theo dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ tổ chức thi ở 79 cụm trường. Phần lớn mỗi cụm trường gồm 2 - 5 Hội đồng coi thi. Cá biệt có cụm trường THPT Trần Quốc Tuấn gồm 9 Hội đồng coi thi; Cụm trường THPT Nguyễn Gia Thiều gồm 6 Hội đồng coi thi. Bên cạnh đó, có một số cụm thi đơn lẻ như: THPT Quang Minh, THPT Trần Hưng Đạo - Thạch Thất, THPT Vân Tảo...

Tùy theo đặc thù của từng đối tượng HS mà nhà trường và các giáo viên có kế hoạch hướng dẫn giúp các em ôn tập cho phù hợp. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết: Trong quá trình hướng dẫn ôn tập, giáo viên lựa chọn các phương pháp phù hợp với đặc thù từng bộ môn, kết hợp giữa việc tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp.

Chuẩn bị mọi phương án phục vụ kỳ thi

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban chỉ đạo các kỳ thi, tuyển sinh năm 2013 đã yêu cầu các trường hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo đúng kế hoạch và biên chế năm học do Bộ GD&ĐT quy định, tổ chức kiểm tra việc thực hiện chương trình các môn học; hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo tính khách quan, chuẩn mực trong việc đánh giá, xếp loại HS, ghi đầy đủ, chính xác các kết quả vào sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ, hoàn thành hồ sơ theo đúng quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối kết hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành; có phương án kịp thời khắc phục các tình huống xấu có thể xảy ra trước, trong và sau kỳ thi; lập dự trù kinh phí thực hiện; chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho các kỳ thi và tuyển sinh. Đảm bảo có đủ điện lưới và có phương án dự phòng về điện cho các Hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi… Ngoài ra, các trường tổ chức thông báo kịp thời, đầy đủ, bằng nhiều hình thức về kỳ thi cho tất cả HS đang học, thí sinh tự do. Tổ chức tốt việc giáo dục đạo đức, tư tưởng cho HS, động viên tinh thần để các em tự tin, trung thực và thái độ ứng xử theo phong cách HS Thủ đô văn minh - thanh lịch.

Động viên đúng lúc, giải tỏa áp lực

Trước khi bước vào một kỳ thi quan trọng, bên cạnh việc ôn tập để đạt hiệu quả, thí sinh nên chú ý việc ăn, uống, nghỉ ngơi ra sao cho phù hợp. Bác sĩ Hà Việt Hòa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Không nên ăn quá no trong thời gian ôn thi, bởi một trong những tác hại của nó là gây buồn ngủ, nên chia bữa ăn trong ngày thành 3 bữa chính và thêm các bữa phụ. Bữa sáng rất quan trọng vì sau một đêm ngủ, năng lượng đã tiêu hao hết. Nếu không ăn sáng, não sẽ không có năng lượng để hoạt động. Cũng theo BS Hòa, giấc ngủ đêm là phù hợp với đồng hồ sinh học, không nên thay đổi. "Có một thực tế là học sinh học triền miên vào ban đêm và ngủ ban ngày, điều này sẽ dẫn đến hiện tượng buổi tối học thì nhớ nhưng sáng hôm sau lại quên, người lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi, uể oải. Thời gian ngủ ít nhất là 7 giờ mỗi ngày, trong đó có 6 giờ ngủ ban đêm và 1 giờ ngủ trong ngày. Nếu quá bận, mỗi người cũng cần chợp mắt khoảng 15 phút để não tái tạo sức lao động" - BS Hòa cho hay.

Mỗi mùa thi, sự hỗ trợ, quan tâm, động viên của thầy cô, cha mẹ là động lực cho các em cố gắng hơn, nỗ lực hơn để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất. Nhưng ngược lại cũng chính sự thiếu tận tình giúp đỡ, sự thiếu quan tâm, hay kỳ vọng quá lớn, quá cao sẽ là con dao hai lưỡi gây áp lực tâm lý không đáng có cho các em. Vì vậy, các bậc phụ huynh và thầy cô cần quan tâm một cách đúng mực, hãy là người bạn đồng hành với các em khi cần giúp đỡ, chia sẻ. Việc định hướng đúng đắn phù hợp với năng lực bản thân của mỗi học sinh hay việc quan tâm chăm sóc về tinh thần, sức khỏe, hay việc đưa đón trò chuyện, động viên đúng lúc của cha mẹ, thầy cô, không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng, áp lực mà còn tiếp thêm năng lượng, giúp các em tự tin thể hiện khả năng của mình khi bước vào kỳ thi.

Trung Đức