Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải ngân vốn đầu tư chậm: Hệ lụy lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, trung bình mỗi năm nước ta thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Năm 2012 này thu hút khoảng 7,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, những công bố mới đây của Bộ KH&ĐT cho thấy tốc độ giải ngân không chỉ của nguồn vốn này mà mọi nguồn vốn gồm cả vốn ngân sách, trái phiếu hay vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay vẫn mắc “căn bệnh cũ”: Chậm.

Tụt hạng năng lực cạnh tranh

Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến giải ngân chậm thời gian qua được TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra, đó là do những bất cập trong chính sách quản lý của Nhà nước. Giải ngân của Nhà nước cũng bị chậm là do chúng ta chậm chuyển sang chính sách nới lỏng, nửa đầu năm nặng về thắt chặt để nhằm kiềm chế lạm phát và nửa cuối năm mới mở rộng. Trong khi đó, mọi động thái để mở rộng đầu tư trong nước luôn gắn với các thủ tục hành chính cũng như các điều kiện để giải ngân, những công việc đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị...

Giải ngân chậm dẫn đến tình trạng những nút thắt về cơ sở hạ tầng không được khơi thông. Bất ổn kinh tế vĩ mô, chính sách quản lý của nhà nước trong bối cảnh có nhiều mục tiêu cần xử lý đã tạo ra sự can thiệp mang tính chất hành chính… là những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế chậm được tháo gỡ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt hạng sâu trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 - 2013, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua.

Giải ngân vốn đầu tư chậm: Hệ lụy lớn - Ảnh 1

Hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho DN để tạo động lực cho DN mở rộng đầu tư. Ảnh: Hùng Huy

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cho rằng, nguồn thu ngân sách năm nay gặp khó khăn, trong khi rất nhiều dự án ODA lại cần nguồn vốn đối ứng lớn. Trước sức ép giải ngân từ nay đến cuối năm (dự kiến phải giải ngân được khoảng 23.000 tỷ đồng/tháng) giải pháp căn cơ chính là phải biết cân đối nguồn lực giữa nguồn ngân sách Trung ương với các dự án địa phương.

Dẫn dòng vốn đến với doanh nghiệp

Không chỉ giải ngân các nguồn vốn ngân sách hay ODA chậm, một thực tế được chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ví dụ, là ngay cả khi ngân hàng thừa tiền nhưng nhưng không thể cho vay ra được. Trong khi, doanh nghiệp “đói” vốn lại không thể tiếp cận vốn vay. Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, tình hình doanh nghiệp hết sức khó khăn, việc khơi thông nguồn vốn, tăng sức mua, đẩy mạnh xuất khẩu, tìm thị trường mới, giải ngân vốn đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển là nhiệm vụ phải làm ngay. Nhưng, đến nay, tình hình vẫn không mấy khả quan. Cũng theo ông Thành nhận định, hiện có tới 50% doanh nghiệp thuộc diện rất khó khăn, vì vậy, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp sẽ góp phần tích cực để giải ngân vốn cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 giải pháp cơ bản cần sớm thực hiện để cải thiện tình hình hiện nay. Trước hết, cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình, thủ tục liên quan đến việc giải ngân vốn, kể cả vốn FDI, ODA hay cách quản lý vốn ngân sách nhà nước để giảm bớt thủ tục hành chính. Bên cạnh đó phải chuẩn bị tốt nguồn vốn đối ứng, thậm chí tính tới việc vay vốn đối ứng cho các dự án ODA. Và điều quan trọng nhất hiện nay là cần tạo một bước chuyển căn bản về lãi suất theo tinh thần mới của Chính phủ là hạ lãi suất cho vay xuống để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Trở lại với Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam tụt tới 41 bậc về môi trường kinh tế vĩ mô xuống vị trí thứ 106 sau khi tăng 20 bậc vào năm 2011. Rõ ràng đây là một tình trạng rất đáng báo động, cần những giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt quan tâm tới các vấn đề như lạm phát, giải ngân, nợ nần. Mục tiêu giải ngân vốn nhanh cũng cần phải được gắn với đảm bảo chất lượng, đầu tư hiệu quả.