Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp bình ổn giá thực phẩm: Ngăn đầu cơ găm hàng, tăng giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm đã tạo ra sự khan hiếm cục bộ, gây áp lực tăng giá.

Để bình ổn giá, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối cũng cần hỗ trợ các đơn vị, cá nhân chăn nuôi trong việc giảm giá thành đầu vào.
 
Giá tăng chóng mặt
 
Hiện tại các chợ ngoại thành, giá sườn lợn và nạc vai lên đến 120.000 đồng/kg, gà đẻ một lứa giá 110.000 đồng/kg… Ở các chợ nội thành, giá thực phẩm còn tăng mạnh hơn. Hiện, nạc vai lợn và sườn lợn được bán với giá 130.000 - 140.000 đồng/kg; Thịt bò từ 180.000 - 200.000 đồng/kg; gà ta giá 150.000 - 160.000 đồng/kg… Không chịu thua kém, nhiều siêu thị giá mặt hàng này còn cao hơn giá bán tại các chợ, nạc thăn 147.800 đồng/kg; sườn 162.900 đồng/kg; thịt ba chỉ 145.900 đồng/kg; thịt nạc vai 149.400 đồng/kg; mông sấn 118.900 đồng/kg. Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2011, giá các loại sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 54,1 - 71,2%, giá thịt bò hơi tăng 39,3%...
 
Nguyên nhân của việc tăng giá được xác định là do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm và tại một số vùng tạo ra sự khan hiếm cục bộ, gây áp lực tăng giá. Trong năm 2010 và đầu 2011, do dịch bệnh tai xanh xảy ra trên diện rộng khiến đàn lợn giống và lợn thịt giảm tạo nguồn cung không đáp ứng được cầu vào các tháng 6, tháng 7/2011. Trong khi đó, chi phí đầu vào như thức ăn, con giống, thuốc thú y, nhân công, điện, nước đã thiết lập mặt bằng giá rất cao. Ngoài ra, việc tổ chức lưu thông phân phối sản phẩm còn nhiều hạn chế, hiện phần lớn đầu ra sản phẩm chăn nuôi kể cả giá mua và bán đều do khâu trung gian thu mua quyết định. Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thu mua tại chuồng và giá bán đến người tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiến thịt tăng giá. Không chỉ có vậy, hiện nay, ngành chăn nuôi quá lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là về nguyên liệu, giống, chế biến, tiêu thụ... càng khiến việc kiểm soát mỗi khi thị trường biến động gặp nhiều khó khăn.
 
Tổ chức lại hệ thống dịch vụ phân phối
 
Để bình ổn giá thực phẩm thì bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối cũng cần hỗ trợ cả những đơn vị chăn nuôi từ đó giảm giá thành đầu ra.
 
Đại diện công ty TNHH Thành Đồng II cho biết: Doanh nghiệp là đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá, nhưng do giá đầu vào tăng cao nên việc bình ổn giá rất khó khăn. Để giảm giá thành, Nhà nước cần hỗ trợ một phần lãi suất vay cho các chủ trang trại; Ngành nông nghiệp cần qui hoạch vùng chăn nuôi, từ đó tạo ra một chuỗi thống nhất từ con giống đến việc giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ.
 
Đồng tình với ý kiến này, bà Phi Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh cho rằng: Việc giá thịt lợn tăng cao là do giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh bởi phụ thuộc vào hàng nhập khẩu; Muốn giảm giá đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi phải giảm. Để làm được việc đó Bộ Công Thương nên đánh thuế xuất khẩu những loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ đó tránh được việc xuất khẩu nguyên liệu, giảm giá thành đầu vào. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Giá thịt lợn hơi tăng tới 60 - 70% chủ yếu là sự tăng ảo, do lái buôn gom hàng thao túng thị trường lợi nhuận rơi vào tay người khác, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không được hưởng lợi từ việc tăng giá... Hiện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi xuất chuồng nhìn vào giá bán của các doanh nghiệp lớn như CP, San Miguel... để tính giá bán ra. Vì vậy, muốn kiểm soát giá, cốt lõi phải quản lý được những kẻ đầu cơ găm hàng, tăng giá. Về lâu dàicần tổ chức lại hệ thống dịch vụ phân phối và xây dựng được chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi quốc gia như một số nước trong khu vực đã làm.
 

Bộ Công Thương cho biết, nhằm tăng cường công tác bình ổn thị trường, Bộ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát cân đối cung cầu và bình ổn thị trường đối với mặt hàng thực phẩm, điều tiết cung cầu mặt hàng thịt và vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường như: phối hợp thanh tra giá, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm.