Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp bình ổn thị trường gas

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù các nhà máy sản xuất gas của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đi vào hoat động, thế nhưng giá bán gas hiện vẫn tăng nhiều hơn giảm. Hiện tượng này cho thấy, còn nhiều bất hợp lý trong việc quản lý mặt hàng này.

Hàng trong nước đắt bằng hàng nhập khẩu

Mỗi lần gas tăng giá, các doanh nghiệp (DN) cung ứng mặt hàng này luôn có "điệp khúc": Nguồn cung thiết hụt, giá thế giới tăng mạnh; DN không kiểm soát được việc bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh gas nên giá mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những bất hợp lý này là do cơ quan quản lý chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh nên sản phẩm gas trong nước không có tác dụng điều tiết thị trường, kiềm chế tăng giá. Trong khi thực tế, lượng gas sản xuất trong nước từ 2 nguồn Dinh Cố và Dung Quất khoảng 640.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước, hoàn toàn có thể góp phần điều tiết trong thời điểm giá biến động mạnh.

Tuy nhiên, từ việc đấu giá gas sản xuất trong nước đang cho thấy, PVN chỉ đưa ra đấu giá 50% sản lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (150.000 tấn gas) và 70% sản lượng của Nhà máy Dinh Cố tương đương 200.000 tấn; Sản lượng còn lại được PVN ưu tiên phân phối cho các đơn vị trong nội bộ với lý do xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ và để đảm bảo lượng tiêu thụ ổn định trong nước những lúc hàng ế. Vấn đề đặt ra, liệu những DN này có thật sự muốn phát triển hệ thống bán lẻ, hay chỉ đi bán cho DN khác hưởng chênh lệch?Bên cạnh đó, mặc dù là hàng sản xuất trong nước nhưng giá bán luôn được tính theo giá thế giới, trong khi PVN không bị chịu thuế nhập khẩu. Thêm vào đó, chi phí chuyên chở, bảo hiểm trong nước luôn thấp hơn thế giới nhưng lại không được DN trừ vào giá bán.

 
Giải pháp bình ổn thị trường gas - Ảnh 1

Dây chuyền nạp gas tại Công ty Gas Gia đình.Ảnh: Hoài Nam
 
Giảm giá bằng cách nào?

Để có thể giảm được giá gas, vấn đề phải quản lý được cơ cấu hình thành giá.

Đại diện Sở Tài chính TP. HCM phân tích: Theo quy định của Chính phủ, giá gas trong nước phụ thuộc giá gas thế giới, giá bán chỉ được quyết định tăng, giảm vào đầu mỗi tháng khi giá thế giới công bố, dù gas nhập hay không nhập. Vì vậy, việc giá gas trong nước điều tiết theo giá thế giới như hiện nay chỉ mang lợi ích cho một số DN, không giúp bình ổn thị trường gas.

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả: Hiện PV Gas chiếm đến 80% thị trường. Trong khi về nguyên tắc, một DN chiếm 30% thị phần đã được gọi là độc quyền. Vì vậy, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống liên kết trong khâu định giá, Nhà nước cần mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu trực tiếp toàn bộ sản lượng gas trong nước, không nên để một vài DN đầu mối chi phối thị trường. Và việc xác định giá nên để các DN sản xuất thực hiện thay vì để các DN kinh doanh như hiện nay. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chỉ rõ, PVN chỉ nên làm nhiệm vụ cung cấp nguồn hàng, không tham gia vào hệ thống bán lẻ, cũng như khâu bán lẻ cuối cùng, có như vậy hoạt động đấu thầu mới phát huy hết ưu điểm.Để chống tăng giá bất hợp lý mặt hàng này, tránh sự chênh lệch giá bán giữa các DN, trong thời gian tới, Nhà nước nên thống nhất giá bán lẻ gas như giá xăng dầu. Bên cạnh đó, có thể thu khoản chênh lệch giữa thuế nhập khẩu với tiêu dùng trong nước. Khoản chênh lệch này được dùng cho việc điều tiết chính sách giá như: Giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế VAT… từ đó kiềm chế tăng giá mặt hàng gas.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần kiểm tra và công khai các chi phí kinh doanh của các DN kinh doanh; Công khai đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước, đồng thời tách bạch giá gas sản xuất trong nước với giá gas nhập khẩu, tránh gộp chung như hiện nay, từ đó định rõ cơ cấu hình thành giá.