Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp của Thụy Sĩ sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis hôm 14/1 đưa ra giải pháp quan trọng để đạt được hòa bình giữa Moscow và Kiev tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về hòa bình cho Ukraine tại thành phố Davos, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis. Ảnh: Tass
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis. Ảnh: Tass

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã kêu gọi Nga và Trung Quốc cùng tham gia các cuộc họp giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

"Bằng cách này hay cách khác, Nga sẽ phải được tham gia hội nghị hòa bình Ukraine. Sẽ không có bất kỳ giải pháp nào giúp chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine nếu thiếu tiếng nói của Moscow” - Ngoại trưởng Cassis nói tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về hòa bình cho Ukraine tại thành phố Davos, Thụy Sĩ hôm 14/1.

Theo ông Cassis, đại diện của 83 quốc gia, bao gồm cả những nước thuộc khối BRICS như Ấn Độ, Brazil và Ả Rập Saudi, đã dự hội nghị ở Davos. Tuy nhiên, Trung Quốc vắng mặt. 

Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng Thụy Sĩ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, trong  việc hòa giải Ukraine và Nga. “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này” - ông Cassis phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên thảo luận.

Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình Ukraine gồm 12 điểm vào đầu năm ngoái, bao gồm lệnh ngừng bắn, đàm phán hòa bình, chấm dứt “tâm lý Chiến tranh Lạnh” cũng như các biện pháp trừng phạt chống Nga. Kế hoạch này được Moscow hoan nghênh nhưng lại không được Kiev cũng như phương Tây ủng hộ.

Giới chức Mỹ đã phản đối những đề xuất của Trung Quốc khi cho rằng chúng chủ yếu mang lại lợi ích cho Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Trung Quốc thiếu “uy tín” trong vấn đề hòa giải xung đột Nga-Ukraine do từ chối lên án chiến dịch quân sự của Moscow tại nước láng giềng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có mặt tại vòng thảo luận hôm 14/1 nhưng theo tiết lộ của ông Cassis, ông Zelensky sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế thế giới sắp tới.

Phản ứng mới  nhất của Nga

Bình luận về tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Thụy Sĩ về vai trò của Nga trong đàm phán hòa bình Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nếu phương Tây muốn đàm phán về Ukraine thì nên ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

"Giải pháp quan trọng để Nga tham gia các thảo luận chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine là các nước phương Tây nên chấm dứt việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga, cũng như tuyên bố bài Nga" - bà Zakharova nói với tờ báo Izvestia hôm 14/1.

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố "công thức hòa bình" 10 điểm và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay với Nga.

Các bước đi trong kế hoạch nói trên bao gồm: An toàn bức xạ và hạt nhân; An toàn thực phẩm; An ninh năng lượng; Trả tự do cho tù nhân và người bị trục xuất; Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc; Rút quân đội Nga và chấm dứt chiến sự; Lập tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh; Bảo vệ môi trường; Ngăn ngừa leo thang; Ký kết hiệp ước kết thúc chiến tranh.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng những tuyên bố của ông Zelensky về một giải pháp hòa bình là không phù hợp với thực tế. Moscow nhận thấy không có tiến triển nào về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev, chính vì vậy Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Moscow tuyên bố coi tất cả các “tiến trình hòa bình” do Kiev tổ chức chỉ là một hình thức tuyên truyền đơn thuần. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Zelensky là phi thực tế, khẳng định rằng yêu cầu Ukraine về việc khôi phục đường biên giới trước năm 2014, bao gồm cả Donbass, chẳng khác nào lời kêu gọi “diệt chủng”.

Ba vòng thảo luận của các cố vấn an ninh quốc gia trước đây được tổ chức lần lượt tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 6/2023, thành phố Jeddah (Ả Rập Saudi) vào tháng 8/2023 và Cộng hòa Malta vào tháng 10/2023.