Để thực hiện mục tiêu này, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục thuế triển khai quyết liệt thu thập CSDL đối với hộ kinh doanh cá thể và công khai thông tin thuế khoán nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng cho người nộp thuế.
Cơ sở để điều chỉnh mức thuế phù hợp
Thực hiện Thông tư số 92, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai đến các địa bàn về việc công khai thông tin hộ khoán và thu thập thông tin làm CSDL hộ khoán trên địa bàn. Thông qua việc thu thập thông tin, cơ quan thuế sẽ có cơ sở để điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với từng hộ.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn hiện nay khoảng 9.900 hộ kinh doanh. Số thuế khoán thu từ khu vực này chiếm khoảng từ 25 - 28% tổng thu từ khu vực thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh. Đến cuối tháng 9, Chi cục đã thu thập được hơn 50% dữ liệu hộ kinh doanh. Dự kiến, đến đầu tháng 11, công việc này sẽ hoàn tất theo đúng mục tiêu đề ra.
Việc thu thập CSDL hộ kinh doanh thuế đã nhận được phản hồi tích cực từ các hộ kinh doanh. “Trước đây, cứ lâu lâu lại điều chỉnh tăng thuế. Cứ tăng suốt, không có giảm. Tôi hiểu, điều tra lần này để có căn cứ xem có làm ăn được không, chi phí bao nhiêu để khoán cho đúng" - ông Phạm Ngọc, kinh doanh tân dược trên phố Hàng Phèn, quận Hoàn Kiếm đánh giá. Ông Ngọc đề xuất, việc điều tra thu thập thông tin phải làm thường xuyên. “Nếu kinh doanh tốt, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế cao hơn. Còn nếu không kinh doanh được thì phải giảm thuế cho chúng tôi” - ông Ngọc nêu ý kiến.
Tại Chi cục Thuế Hà Đông, việc thu thập dữ liệu thông tin cũng đang được tích cực triển khai. Theo ông Trần Văn Giáp - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hà Đông, thời gian gần đây, các cán bộ thuế tại Chi cục đã phải “tăng ca” làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để việc thu thập dữ liệu thông tin về đích đúng hẹn 1/11/2015.
Người nộp thuế hoan nghênh
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu thập dữ liệu thông tin, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Cụ thể, Cục đã chỉ đạo các phòng và các chi cục in tờ rơi tóm tắt các chính sách thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh gửi đến 100% hộ kinh doanh. Đồng thời, cán bộ thuế cũng gửi thư ngỏ kèm theo bảng công khai thông tin của 200 hộ, cá nhân kinh doanh cùng địa bàn đến 100% hộ, cá nhân kinh doanh để các hộ cho ý kiến phản ánh về việc xác định doanh thu, mức thuế khoán.
Chị Phạm Thị Thủy, chủ cửa hàng kinh doanh kim khí Thủy An (40A phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm) đánh giá: “Trước đây, hộ kinh doanh nào biết mức thuế của hộ đó nên không tránh khỏi những thắc mắc về việc đóng thuế nhiều hay ít so với các hộ kinh doanh khác trong cùng khu vực, cùng ngành nghề. Việc thu thập thông tin và công khai mức thuế đến từng hộ sẽ tạo điều kiện cho người dân chủ động so sánh, từ đó thấy được mức thuế của mình là phù hợp hay không”. Thực tế cho thấy, trước đây, cơ quan thuế công khai mức thuế các hộ khoán tại trụ sở hoặc ở trụ sở UBND phường. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cho biết, họ rất ít đến trụ sở phường xem vì không có thời gian. Với việc bảng công khai thuế gửi tới tận nhà, các hộ rất hoan nghênh.
Ông Giáp cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Cục Thuế Hà Nội, Chi cục Thuế Hà Đông đã tổ chức phổ biến nội dung mới tới toàn bộ công chức, để mỗi cán bộ thuế trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho công tác xây dựng CSDL hộ kinh doanh. Cơ quan thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp triển khai thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh của 100% hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn thông qua phiếu câu hỏi, từ đó xây dựng căn cứ xác định doanh thu, mức thuế của các hộ.
Cán bộ Chi cục thuế Hoàn Kiếm tư vấn chính sách thuế cho hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Đinh Nguyễn
|