Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp giao thông cho người khuyết tật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện người khuyết tật (NKT) gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

KTĐT - Hiện người khuyết tật (NKT) gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Cụ thể, họ không có phương tiện giao thông chuyên dụng, vỉa hè không có lối dẫn cho NKT, số lượng các tòa nhà, bến xe, xe buýt có đường tiếp cận cho người đi xe lăn còn rất hiếm hoi... Được biết, ở nước ta hiện nay, ước tính có khoảng 5 triệu NKT, chiếm khoảng 6 - 7% dân số. Nhưng tỷ lệ NKT ra ngoài đi làm hoặc tham gia các hoạt động xã hội rất ít do còn nhiều “rào cản” khiến họ không thể hòa nhập với xã hội.

Đối với NKT, nhu cầu đi lại và tham gia giao thông là hết sức bức thiết, bởi đó là một trong những phương tiện để NKT tiếp cận với các cơ hội thông tin, việc làm, vui chơi giải trí, nhu cầu hòa nhập xã hội và phục hồi chức năng.

Mặc dù, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách ưu tiên vấn đề đi lại, tham gia giao thông cho NKT nhưng một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của NKT khi tham gia giao thông là gặp phải quá nhiều trở ngại, từ các công trình xây dựng, đường giao thông không phù hợp với đặc điểm NKT.

Theo khảo sát của Tổ chức NKT quốc tế Pháp thực hiện tại 137 tòa nhà công ở Hà Nội, mới có 11% số tòa nhà này có đủ tiêu chuẩn để NKT có thể tiếp cận. Hiện hầu hết các xe buýt Hà Nội đều có sàn xe cao hơn 70cm, thậm chí tới 1m, không phù hợp với NKT.

Một số xe giao thông công cộng có chiều rộng của cửa xe hẹp, dưới 80cm, chưa thích hợp cho xe lăn lên xuống. Mặt khác, hầu hết các điểm dừng, nhà chờ trên các tuyến chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn và yêu cầu giao thông cho NKT tiếp cận... Thực tế là ngành Hàng không Việt Nam đã có trang bị xe lăn, xe nâng đưa hành khách lên, xuống và có nhiều ghế ngồi chăm sóc đặc biệt cho NKT và người già. Song còn lại hầu hết các phương tiện giao thông khác vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị cho NKT tiếp cận...

Để khắc phục tình trạng trên, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT. Trong đó có điều khoản quy định riêng về phương tiện giao thông bảo đảm cho NKT tiếp cận được. Dự thảo đặt ra yêu cầu, đến năm 2015, sẽ có ít nhất 15% xe buýt, tàu hỏa và 10% các phương tiện giao thông công cộng khác đủ điều kiện tiếp cận đối với NKT; tỷ lệ này năm 2020 lần lượt là 20% và 15%.

Ngoài ra, NKT nặng và đặc biệt nặng còn được miễn phí đối với xe buýt chạy tuyến nội thành, nội thị và được giảm 20% giá vé máy bay, giảm 50% giá vé tàu hỏa, tàu thủy. Dự thảo cũng nêu rõ, đến năm 2015, các trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; các cơ sở dạy nghề công lập phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với NKT.

Mong rằng các quy định trên khi được ban hành, cùng với việc thực thi nghiêm túc của các cơ quan chức năng, những trở ngại mà NKT gặp phải khi tham gia giao thông sẽ được giảm thiểu đáng kể.