Nhưng bên cạnh đó, người trồng lúa vẫn lo đầu ra cho sản phẩm để không rơi vào tình cảnh "được mùa rớt giá". Những trăn trở này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Hợp tác 4 nhà trong sản xuất lúa hàng hóa do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội vừa tổ chức.
Bấp bênh tiêu thụ
Năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng xây dựng được 33 mô hình mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành Hà Nội. Các giống lúa được đưa vào gieo trồng là: Bắc thơm số 7, Nàng Xuân, Tám thơm đột biến… Kết quả, tổng sản lượng lúa hàng hóa năm 2012 đạt trên 37.000 tấn. Với giá bán trung bình 9.000 đồng/kg, tổng giá trị sản phẩm lúa hàng hóa đạt 333 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế đạt 142 tỷ đồng.
Sản xuất lúa hàng hóa tại huyện Sóc Sơn.Ảnh: Trần Hoạt
Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, Trung tâm đã phối hợp với các DN và tiểu thương tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… Tuy nhiên, các DN và tiểu thương chỉ chủ yếu thu gom sản phẩm sau thu hoạch, còn hiện tại, hầu như chưa có DN nào đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Điều đó khiến người nông dân chưa yên tâm sản xuất. Ông Bùi Văn An, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết: "Băn khoăn lớn nhất của các HTX vẫn là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Các DN cần quan tâm hơn nữa trong việc giúp dân tiêu thụ sản phẩm".
Cùng ý kiến trên, ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Hà Nội trước đây chưa có vùng sản xuất lúa hàng hóa, nay đã có 7.000ha/100.000ha lúa. Mô hình này có sự tham gia của các nhà, bước đầu đã đạt hiệu quả, đó là định hướng đúng. Tuy nhiên, mô hình này có hai vấn đề tồn tại, đó là vấn đề tiêu thụ. Ông Quốc cho rằng, việc tiêu thụ lúa hàng hóa chủ yếu vẫn là tự sản tự tiêu. Bên cạnh đó, chưa có điển hình nào có thể tổng kết và tuyên truyền được.
Lợi ích các bên có đảm bảo?
Lý do mà các DN chưa mặn mà với việc liên kết trong tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao cho nông dân, theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Chế biến lương thực thực phẩm Thái Dương là chính sách hỗ trợ của TP chưa đồng đều: "Hà Nội mới có chính sách hỗ trợ giống, phân bón… nhưng chưa có cơ chế gì hỗ trợ đầu ra. Trong khi miền Nam đã có chính sách hỗ trợ cho các DN qua ưu đãi tín dụng".
Mặt khác, trong khâu tiêu thụ, DN cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ HTX để lực lượng này có điều kiện tham gia liên kết giữa nông dân với DN, tránh phải qua tư thương. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm lúa gạo của Hà Nội cũng phải rẻ hơn thì mới cạnh tranh được. "Bởi gạo ở các tỉnh mang đến phải tính thêm chi phí vận chuyển. DN không lý nào lại mua gạo tám Hà Nội đắt hơn gạo tám Nam Định" - ông Sơn nói.
Ngoài chính sách hỗ trợ thu mua sản phẩm, đại diện của Công ty CP Giống cây trồng T.Ư cũng cho rằng, TP cần có chính sách hỗ trợ cho các DN đầu tư vào công nghệ chế biến. Bởi, muốn sản phẩm có chất lượng tốt thì phải có công nghệ chế biến hiện đại. Tuy nhiên, xung quanh khu vực Hà Nội, hiện chưa có một DN chế biến nào có đủ điều kiện công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển, một sản phẩm muốn tiêu thụ được thì phải xây dựng được thương hiệu. Hà Nội nên tìm 1 - 2 giống lúa chất lượng để xây dựng thương hiệu. Ông Tại cũng cho biết, để chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được bền vững thì điều quan trọng là phải quan tâm đến lợi ích của tất cả các bên tham gia.
Những vấn đề này, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục xem xét và đề nghị UBND TP Hà Nội để chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao được hoàn thiện, thực sự là mô hình sản xuất đem lại lợi ích cho nông dân.
Năm 2013, Trung tâm Phát triển cây trồng sẽ xây dựng, phát triển 47 vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao tại 12 huyện ngoại thành với quy mô 8.000ha. Phấn đấu năng suất đạt trung bình 5,4 tấn/ha/vụ; sản lượng đạt 45.360 tấn, hiệu quả kinh tế ước đạt 163,2 tỷ đồng. |