Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào chống “thông thầu”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những quy định, chế tài nhằm ngăn chặn, xử lý hiện tượng “thông thầu” trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận luật này, sáng 20/6.

“Thông thầu” được hiểu nôm na là nhà thầu liên kết với nhau như thuê, mượn hồ sơ để tham gia đấu thầu, để kìm giá đấu thấu công trình gây bất lợi cho chủ đầu tư. Người trúng thầu sau đó sẽ phải trích một khoản hoa hồng cho những người cho thuê, mượn hồ sơ đấu thầu.

Để ngăn chặn hành vi này, ban soạn thảo đã dành Điều 32 để quy định về những hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Trong đó khoản 3 cấm cấu kết, thông đồng giữa các bên trong đấu thầu làm ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia.

 
 
Giải pháp nào chống “thông thầu”? - Ảnh 1
 
Đại biểu Đinh Thị Mai Lan, đoàn Cao Bằng.
 

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) băn khoăn khi quy định quá chung chung, không có tính khả thi, rất khó xác định lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia ở đây là như thế nào?

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) cho rằng đấu thầu ở nước ta chủ yếu là đấu thầu 2 bên (chủ đầu tư và nhà thầu), trong khi ở các nước khác đấu thầu được giao cho các sàn giao dịch, công ty chuyên tổ chức đấu thầu.

“Nếu ở nước ta không vượt qua được những cuộc đấu thầu 2 bên thì không thể xử lý dứt điểm các yếu điểm căn cơ như thông thầu, quân xanh quân đỏ, “vận động hành lang” để trúng thầu”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Trong khi đó đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) thì đề nghị “Thông thầu không biết là gây hậu quả nhẹ hay nặng như thế nào mà phải là truy tố hình sự. Phải mạnh dạn để xử lý”.

Đại biểu Trần Du Lịch trăn trở: “Chúng ta thử kiểm tra mỗi năm sử dụng 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ phân bổ đi các công trình mục tiêu quốc gia thì bao nhiêu dự án xảy ra tình trạng thông thầu? Đây là vấn nạn rất lớn rút ruột công trình”.

Lộ trình đấu thầu qua mạng

Đánh giá về quy định thực hiện đấu thầu qua mạng, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng thực hiện được điều này sẽ đảm bảo tính minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các nhà thầu, giảm thời gian đi lại của nhà thầu, giảm thủ tục hành chính do nhà thầu, góp phần giảm thiểu tham nhũng, lãng phí, tình trạng thông thầu.

Tuy nhiên đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính bảo mật thông tin, chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của hoạt động này. Đại biểu Hà Sỹ Đồng và một số đại biểu khác cũng đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng một cách hợp lý, khoa học.

Về quy định chỉ định thầu tại Điều 17, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần hướng đến quy định càng chi tiết càng tốt, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu cụ thể “gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia; gói thầu thuộc dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia” thì cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để có thể xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp nêu trên nếu không sẽ có tình trạng chủ đầu tư kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán về điều kiện để được áp dụng chỉ định thầu và không phân định rõ được trách nhiệm của từng cấp quyết định.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, diễn ra cuối năm nay.

Bên cạnh những góp ý những điểm chưa hoàn thiện của dự án luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá dự thảo sửa đổi có sự tiến bộ nổi bật là khuyến khích, thu hút sự đóng góp của khu vực tư nhân để tham gia cùng Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng; giải quyết được bất cập trong việc lựa chọn phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, bằng cách đưa thêm phương pháp đánh giá mới là phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá cố định… phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể.