Trái cây Việt Nam chỉ chiếm 1% kim ngạch thế giới
Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông sản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận.
“Tại Australia, một số sản phẩm Như Xuân oài, vải, nhãn, thanh long được đánh giá rất cao về chất lượng và được người tiêu dùng đón nhận”- ông Hải dẫn chứng. Đồng tình với ý kiến này Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, vài năm gần đây đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Hà Lan, các loại quả xuất khẩu thành công vào thị trường này là thanh long, vải, nhãn, chanh dây.
Hiện tổng giá trị trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu lên đến 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trung bình mỗi năm của Việt Nam chỉ đạt gần 50 tỷ USD, chiếm 1% nhu cầu toàn cầu. Điều đó cho thấy, dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn bởi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, Việt Nam đã ký kết với EU hiệp định EVFTA nên mặt hàng rau trái nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam được hưởng lợi bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. “Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây vào thị trường EU”- ông Nguyên nêu rõ.
Muốn tăng kim ngạch phải đầu tư bài bản
Mặc dù các FTA đã tạo điều kiện cho các DN tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này nhưng hiện trái cây Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp, chưa thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản Việt sang các thị trường lớn, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, trong khi sản phẩm của các nước châu Á, Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn quốc tế thì đa phần trái cây Việt Nam được trồng quy mô nhỏ nên chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều theo quy chuẩn quốc tế, khó thu mua khối lượng lớn. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển xuất khẩu.
“Hiện công nghệ bảo quản trái thanh long tươi chỉ được 30-35 ngày nên không thể vận chuyển bằng đường biển sang các nước EU, Hoa Kỳ, Anh…mà phải sử dụng đường hàng không kéo theo giá thành tăng cao, khó cạnh tranh với những nước vận chuyển bằng đường biển” - ông Tùng nêu ví dụ. Đồng tình với ý kiến này hầu hết Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có chung ý kiến, mặc dù trái cây Việt Nam đã xuất khẩu tới nhiều nước nhưng nguồn cung không ổn định, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ.
Để khắc phục những khó khăn này qua đó chinh phục những thị trường khó tính, tại hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của các HTX với các thị trường nước ngoài tiềm năng" do Liên minh hợp tác xã Việt Nam vừa tổ chức nhiều DN nhận định, dù trái cây Việt rất phong phú, đa dạng, nhưng cách bảo quản, chế biến chưa hiệu quả. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, để chinh phục thị trường châu Âu đòi hỏi DN, hợp tác xã nên quy hoạch vùng trồng theo tiêu chuẩn, quy định châu Âu qua đó đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngoài ra DN nên liên kết đầu tư công nghệ kéo dài thời gian bảo quản trái cây sau thu hoạch để vận chuyển bằng đường biển qua đó giảm giá thành sản phẩm.
Đồng tình với ý kiến này Tham tán thương mại Việt Nam tại CHLB Nga Dương Hoàng Minh khuyến nghị, muốn thúc đẩy tăng trưởng mặt hàng trái cây tại thị trường Nga, doanh nghiệp nên tăng cường khảo sát thị trường thông qua các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Liên bang Nga. Hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây…của người dân Nga.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn cung còn đòi hỏi doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm để người dân nước sở tại biết đến trái cây Việt. Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa nêu rõ, doanh nghiệp, hợp tác xã việc đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng. “Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình về lợi ích mà hoạt động quảng bá mang lại”-ông Hòa nói.
Ý kiến của các Tham tán thương mại cho thấy để trái cây Việt tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, chất lượng đồng đều. Đồng thời đầu tư vào công nghệ bảo quản qua đó đảm bảo chất lượng, dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Thương vụ Việt Nam tại Australia đã quảng cáo cho nhiều mặt hàng trái cây, chẳng hạn với sản phẩm sầu riêng Ri6 với slogan "Ri6 - một vị vua khác" từ đó khẳng định sầu riêng Việt Nam không thua kém hàng Thái Lan. Qua đó từ chỗ Ri6 là sản phẩm ít người biết nhưng đến nay đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường Australia, có thương hiệu đặc trưng và khẳng định vị thế loại "trái cây vua" trong các dòng sầu riêng bán ở thị trường này." - Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa |