Cho dù viễn cảnh ấy sẽ không xảy ra nhưng thực chất vấn đề này vẫn chưa được giải quyết bởi thỏa thuận nói trên chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có hiệu lực trong thời hạn nhất định. Bên nào cũng đều vừa thắng, vừa thua, vừa được lại vừa phải chịu mất với thoả thuận này. Về tiền bạc, phía Nga chưa được đáp ứng yêu cầu là phía Ukraine phải công nhận và trả hết món nợ cũ mà Nga tính lên tới hơn 5 tỷ USD và không được chấp nhận sử dụng Hiệp định cung ứng khí đốt ký với Ukraine năm 2009 làm cơ sở đàm phán, ngoài ra cũng phải hạ thấp mức giá bán khí đốt cho Ukraine. Nhưng đổi lại, Nga đã buộc Ukraine phải trả nợ cũ 3 tỷ USD (trả theo 2 lần) và chấp nhận nguyên tắc "thanh toán trước, cung ứng sau" từ nay trở đi. EU giúp Ukraine có được thỏa thuận này cũng để tự cứu mình bởi nếu không thì mùa Đông này vừa không có đủ khí đốt đáp ứng nhu cầu của chính mình lại vừa vẫn phải trợ giúp Ukraine. EU cũng tránh được nguy cơ phải bỏ tiền túi ra trả nợ thay cho Ukraine như phía Nga đề xuất. Chỉ có điều là cả EU lẫn Ukraine đều chưa có được với Nga giải pháp cơ bản và lâu bền cho vấn đề quan trọng này. Điều đó có nghĩa là chỉ vài tháng nữa thôi, chuyện này sẽ lặp lại và tất cả bị đẩy trở lại vị trí xuất phát ban đầu. Điều đó có nghĩa là con chủ bài vẫn nằm ở trong tay Nga và giải pháp cho vấn đề này không chỉ mang tính kinh tế, tài chính và thương mại thuần tuý mà còn phụ thuộc vào diễn biến trong quan hệ giữa EU với Nga cũng như giữa Nga với Ukraine trong thời gian tới. Diễn biến ấy tích cực thì triển vọng giải pháp sẽ sáng sủa. Ít ra thì cả ba bên này cũng đã đều cho thấy dù sẵn sàng leo thang đối đầu nhau đến đâu thì cũng vẫn có thể thỏa hiệp được với nhau.