KTĐT - Một trong những nổi cộm hiện nay là vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến khiếu nại về đất đai.
Thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Trong quá trình thực thi hiện nay, do một số quy định của pháp luật chưa hoàn chỉnh, hoặc việc thực hiện không thống nhất đã gây khó khăn cho công tác này.
Một trong những nổi cộm hiện nay là vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến khiếu nại về đất đai.
Trước thực tế này, trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung được các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội biện pháp giải quyết những bất cập của pháp luật trong việc bảo đảm quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án của người khiếu nại đối với những vụ việc khiếu nại về đất đai đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng các dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài (trong đó có những vụ việc khiếu nại về đất đai đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 321/TB-VPCP ngày 21/11/2008 và 89/TB-VPCP ngày 19/3/2009.
Một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ
Tổng hợp phản ánh của một số địa phương cho thấy, vướng mắc nằm ở chỗ còn thiếu thống nhất giữa cơ quan hành pháp và tư pháp trong việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện hành chính liên quan đến đất đai giữa UBND các cấp và Tòa án nhân dân. Trong khi cơ quan hành pháp cho rằng, công dân có quyền khởi kiện quyết định hành chính lần hai, thì cơ quan tư pháp lại không công nhận và không thụ lý đơn khởi kiện này. Điều này gây khó khăn cho nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại.
Trình tự, thủ tục giải quyết đơn xin đòi lại đất đai, tài sản, hiện nay các địa phương cũng nhận thức khác nhau. Về hình thức văn bản giải quyết, có nơi ban hành quyết định, có nơi ban hành văn bản trả lời, do đó rất cần hướng dẫn để thực hiện một cách thống nhất. Một khó khăn nữa khá phổ biến hiện nay, đó là đơn đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đã có quyết định cuối cùng, hoặc lần hai nhưng công dân vẫn không đồng ý với nội dung giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến nhiều cấp, nhiều ngành trung ương và địa phương, trong khi không cung cấp được những tình tiết mới. Lượng đơn này tiếp tục được các cơ quan chuyển về địa phương đề nghị xem xét, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và người khiếu nại, do đó làm mất nhiều thời gian của cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng, người khiếu nại không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại. Không ít trường hợp cơ quan thụ lý đơn mời nhiều lần nhưng người khiếu nại không đến (thậm chí trả lại giấy mời làm việc), hoặc đến làm việc nhưng không ký vào biên bản. Khi gặp trường hợp này, một số cơ quan tham mưu đề nghị xếp hồ sơ, nhưng Luật Khiếu nại tố cáo và các văn bản hướng dẫn không đề cập đến tình huống này, nếu vẫn thụ lý giải quyết thì không có cơ sở, không bảo đảm trình tự theo quy định. Vấn đề này cũng cần được hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trên thực tế, những vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nêu trên đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, việc hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho địa phương và cơ quan dân cử trong việc bảo vệ cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri.